TRUNG TÂM HUY HIỆU QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018


TIN TỨC THẾ GIỚI TỔNG HỢP




Những ca khúc về Mậu Thân 68: Tính nhân bản của người miền Nam

Bìa nhạc ca khúc Cơn mê chiều của nhạc sĩ Minh Khôi.
Bìa nhạc ca khúc Cơn mê chiều của nhạc sĩ Minh Khôi.
 Nguồn: Internet
Bên cạnh những nhân chứng còn sống, bên cạnh những lời ghi chép để lại trong lịch sử vẫn chưa đầy đủ, thì âm nhạc là nơi lưu giữ, là 1 thực thể hiển hiện rõ nhất sự thật về biến cố Mậu Thân 1968.
Nhìn ở 1 góc độ nào đó, 5 ca khúc: “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”; “Những con đường trắng” của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng; “Hát Trên Những Xác Người” hay còn gọi “Bài Ca Cho Những Xác Người” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; Cơn Mê Chiều của nhạc sĩ Minh Khôi là 5 trang sử nhạc ghi lại một cuộc thảm sát dân tộc chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người dân Việt Nam.
Thế nhưng, phải đến gần 10 năm sau, những ca khúc ấy mới có cơ hội thực hiện vai trò lịch sử của nó. Vì sao?

Không có oán hận

Trong những tư liệu nói về Mậu Thân, người ta hay dùng những danh từ như thảm sát, biến cố, thảm kịch, tang tóc…để chuyển tải tính chất của 1 cuộc chiến.
Thậm chí, người ta còn hình tượng hoá sự kiện này như 1 cuộc tương tàn giữa anh em trong 1 nhà. Có người đã viết về Mậu Thân thế này:
“Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức VN trong cuộc thảm sát này.”
Nhưng âm nhạc thì không.
“Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm”
Trong vụ thảm sát Mậu Thân, ngoài nỗi đau đớn cho dân tộc trong một cuộc nồi da xáo thịt tàn độc, còn có một nỗi đau lớn hơn, là vai trò một số trí thức VN trong cuộc thảm sát này. - Một độc giả
Cơn mê chiều của nhạc sĩ Nguyễn Minh Khôi có lẽ là chứng cứ trọn vẹn nhất về sự mất mát của Huế. Thêm vào đó là tiếng hát ma mị của danh ca Thái Thanh, thì Cơn mê chiều chính là oan hồn của hàng trăm xác người sau cuộc thảm sát ở Khe Đá Mài, thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy.
Tất cả những gì đẹp nhất, thơ mộng nhất của Huế được tác giả mang hết vào ca khúc. Không có tiếng súng. Không có tiếng thét. Không có lời ai oán. Chỉ có “Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình”
Hoặc là lời trách buồn bã của người mẹ đất thần kinh đối với đứa con của mình “nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng”
Trong 1 tư liệu phân tích về ca khúc này, bút danh Hoàng Hạc có viết rằng:
“Giống như những đứa con lớn lên trong một gia đình nghèo, có bà mẹ bịnh tật, có người cha say rượu hay đánh đập con cái và một bầy em còn nhỏ dại. Thay vì khuyên răn người cha, săn sóc người mẹ, che chở cho đám em khờ, các anh lại bỏ đi, và chẳng những đã bỏ đi mà còn dắt kẻ gian về đốt phá nhà mình.”
Và đâu đó, vẫn là tính nhân bản của tầng lớp văn sĩ xưa, lấy ngọn đuốc soi sáng mong làm tan đi tội ác.
“Tôi là người trong đêm, mang ngon đuốc về nội thành
Xin là người soi đường đi xóa hết đau thương...”
Từ tiếng trách nghẹn người anh em miền Bắc, sao nỡ cắt đứt nhịp cầu tình nghĩa, qua “Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy”; Đến đau đớn tột cùng để phải cười điên, hát dại, qua “Hát Trên Những Xác Người”, “Bài Ca Cho Những Xác Người”; Từ sự chua xót khi một thành phố thanh bình bỗng chốc hóa thành một thành phố của sự tang tóc, qua “Những Con Đường Trắng”; Đến những bước chân lê thẩn thờ mê dại, nghẹn ngào trước thảm cảnh người thân về giết người thân, qua “Cơn Mê Chiều”.
Tất cả 5 bài hát đã nói lên mọi khía cạnh của sự đau đớn mà người dân xứ Huế đã phải gánh chịu. Nhưng, hoàn toàn không có bất cứ một lời lên án, nguyền rủa hay đòi trả thù rửa hận nào.
Ngạc nhiên thay!
Ngạc nhiên để phải suy gẫm, mới thấy tính nhân bản của người dân miền Nam, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Cao đẹp quá!
Đó là chia sẻ của một độc giả tên Hoàng Trọng Thắng khi nói về 5 ca khúc chứng nhân lịch sử của Mậu Thân 1968.
Ngọn đồi cao mênh mông lồng lộng những xác người. Con đường thênh thang phủ đầy những đoàn người dắt díu nhau chạy trốn. Bãi Dâu lởm chởm những hố hầm chôn vùi người đã chết…
“Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…”
Đứng trước khung cảnh đó, người ta có thể khóc đến điên dại mà cũng có thể cười đến hoá rồ.
Thế nhưng, bức tranh về thảm kịch của một miền đất nước và của cả một dân tộc được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ lên năm 1968, ngay khi ông từ Huế về lại Sài Gòn, hoàn toàn không có sự kêu gào căm phẫn.
Có chăng, là tiếng vỗ tay, vỗ tay trong thù hận, vỗ tay cho ăn năn.
“Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người
Tôi đã thấy, tôi đã thấy,
Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em.
Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn.”
Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng khi khóc cho nỗi đau thương của Huế, cũng chỉ là nhắc nhớ sự ngọt ngào muôn thưở của Huế.
“Ngày xưa Huế có con đường trắng
Ơi con đường trắng
Áo trắng đơn sơ,
Áo trắng ngây thơ,
Áo trắng như mơ,
Áo trắng học trò”
Hay mượn hình ảnh sụp đổ của cây cầu Tràng Tiền 12 nhịp để nói lên nỗi đau đớn của ông.
“Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài”

Không nghĩ nhiều về chiến tranh

Một vị bác sĩ hiện sinh sống ở Sài Gòn, (xin được dấu tên) nhớ lại thời gian ấy, khi ông còn là 1 cậu bé, những ca khúc đó chưa được phổ biến nhiều, đặc biệt là với người dân miền Nam.
“Cái tâm thế hồi đó rất lạ. Người ta không than khóc về chiến tranh nhiều. Xã hội đủ thanh bình, đô thị Việt Nam đủ thanh bình để người ta không nhắc đến chiến tranh.
Khoảng năm 70, 72, người ta vẫn không hát những ca khúc đó nhiều, trừ những sinh hoạt của những sinh siên tranh đấu, nhưng cũng không nhiều. Đa số là những ca khúc Du ca, Nhi đồng ca, Bình ca của Phạm Duy, người ta hát về mơ ước 1 quê hương thanh bình, thanh niên đi xây dựng quê hương.”
Khi người ta ý thức, căm hận đến tận xương tuỷ đó là tội ác. Người ta nghe lại với lòng căm phẫn. Trước đó, dân miền Nam không được giáo dục với lòng căm phẫn. Xã hội hồi xưa rất lạ. Gần như chiến tranh ít chạm đến đô thị. Dân miền Nam ít nói về chiến tranh. Người ta không bị ám ảnh lắm.  - Một bác sĩ ẩn danh
Theo vị bác sĩ này, mãi cho đến sau năm 1975, thì những đau thương mất mát của Huế nói riêng và của cả dân tộc nói chung trong những ca khúc về Mậu Thân mới thực sự được trưng bày.
“Khi người ta ý thức, căm hận đến tận xương tuỷ đó là tội ác. Người ta nghe lại với lòng căm phẫn. Trước đó, dân miền Nam không được giáo dục với lòng căm phẫn. Xã hội hồi xưa rất lạ. Gần như chiến tranh ít chạm đến đô thị. Dân miền Nam ít nói về chiến tranh. Người ta không bị ám ảnh lắm.”
Cho dù chủ nghĩa hiện thực có hiện diện trong 5 ca khúc tiêu biểu về Mậu Thân, nhưng bàng bạc trong đó vẫn là sự lãng mạn, hào hoa, mưu cầu cái đẹp thanh bình của 1 tầng lớp văn sĩ xưa.
Vị bác sĩ không nêu tên trong này có nói rằng “sẽ không có ca khúc nào có thể diễn tả hết được sự kinh hoàng của nó”
“Chỉ là 1 mô tả phơn phớt thôi. Hàng ngàn hài cốt bới lên, cột chùm với nhau bằng dây thép, dây kẽm gai cột vô xương cánh tay, không có ca khúc nào tả được.”
Sứ mệnh của âm nhạc là thế. Cho dù các nhạc sĩ không chọn chủ nghĩa hiện thực để đưa vào tác phẩm thì 5 ca khúc tiêu biểu này sẽ mãi mãi là chứng nhân của lịch sử. Và thảm sát Mậu Thân 1968, dù có thêm bao nhiêu lần 50 năm nữa thì nỗi đau của người dân đất thần kinh và của cả dân tộc Việt Nam vẫn mãi còn đó mỗi khi nhắc lại.

Tết Mậu Thân 1968 và văn chương

Huế, 50 năm sau cuộc chiến
Huế, 50 năm sau cuộc chiến
 TTVN
Năm mươi năm trôi qua, khoảng thời gian vừa đủ cho một đứa bé ra đời, lớn lên, tập tễnh vào đời, va đập cuộc sống và lần mò bước qua bên kia dốc cuộc đời để chiêm nghiệm về đời người, về nhân tình thế thái. Ấy cũng là khoảng thời gian mà vết đau lịch sử vẫn còn âm ỉ, đúng nửa thế kỉ trước, trong khoảnh khắc giao thừa Tết Mậu Thân, những tiếng súng khai cuộc tổng tiến công từ những người lính Cộng sản Bắc Việt khiến cho người dân miền Nam ngỡ đó là tiếng pháo nổ, để rồi vài mươi giờ sau, một biến cố tan thương khảm dấu vào lịch sử. Và suốt chiều dài nửa thế kỉ, những xác người vẫn còn lẩn khuất đâu đó giữa lòng đất mẹ oan khiên!
Cuộc chiến Mậu Thân 1968 đã đi vào văn chương như một vết đau khôn nguôi, những tác phẩm văn chương như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, hồi ký Không Biên Giới của Nguyễn Thị Thanh Sung, Bài Ca Viết Cho Những Xác Người và hát Trên Những Xác Người của Trịnh Công Sơn, Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của Trầm Tử Thiêng, Chuyện Một Đêm của Anh Bằng, Dáng Đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân…
Họ không lên án hay gì cả nhưng các tác phẩm này gây xúc động, bởi vì các tác phẩm này đánh đúng vào thời điểm đó, - Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca
Có thể nói số lượng tác phẩm văn chương cả hai phía Nam và Bắc vĩ tuyến 17 viết về chiến trận Mậu Thân 1968 không hề nhỏ, trong đó, có một số tác phẩm của các nghệ sĩ miền Nam Cộng Hòa đã thành bất hủ, sự hiện hữu của tác phẩm như một chứng tích tâm hồn về một cuộc binh biến đau thương. Và nỗi đau này đã vượt thời gian, thấm đẫm tâm hồn những thế hệ sau.
Nhắc về tác phẩm văn chương trong cuộc binh biến Mậu Thân 1968, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, người đoạt giải Kim Khánh những năm đầu thập niên 1960 với ca khúc Ru Con Tình Cũ, chia sẻ: “Mậu Thân, sau cái thảm họa đó thì những tác phẩm nó ra đời và gây sự xúc động lớn, như Dải khăn sô cho Huế của Nhã Ca, như âm nhạc thì có Trầm Tử Thiêng – chuyện một chiếc cầu đã gãy... Họ không lên án hay gì cả nhưng các tác phẩm này gây xúc động, bởi vì các tác phẩm này đánh đúng vào thời điểm đó, cái thật của cuộc chiến đó. Sau Mậu Thân thì các tác phẩm văn học miền Nam xoay quanh cuộc chiến này như một sự tưởng niệm...”.
Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca chia sẻ thêm là hiện tại, trí nhớ của ông không còn được minh mẫn như trước đây vài năm bởi chứng tia biến não. Nhưng những cảm xúc, những nỗi đau mất mát trong chiến rtanh thì không bao giờ nguôi trong tâm hồn một nghệ sĩ. Nhắc về chiến tranh, giọng ông trở nên xúc động bồi hồi, ông nhắc tên những tác phẩm văn chương như đang gọi tên những người bạn thiết đã lâu ngày không gặp.
Có thể nói rằng tác phẩm viết về chiến cuộc Mậu Thân 1968 gồm nhiều thể loại, nhưng có hai góc nhìn riêng biệt, góc nhìn của các nghệ sĩ phiá Nam vĩ tuyến 17 thiên về nỗi đau, nỗi mất mát, xuyên suốt tác phẩm văn chương, thi ca của miền Nam Việt Nam là nỗi đau, cái nhìn nhân ái và những trăn trở nhân sinh về kiếp người, về chiến tranh cũng như những di họa của nó.
Ngược lại, các tác phẩm văn chương nghệ thuật của các nghệ sĩ Bắc vĩ tuyến 17 mang đậm tính chất anh hùng ca, mỗi ca từ, câu văn, cú pháp trong mỗi tác phẩm như những phát súng xung trận, nhuốm màu khói lửa, tiếng hô xung phong và hò reo chiến thắng.
Nhà văn, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người vừa từ bỏ chức danh Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhận xét: “Cuộc chiến Mậu Thân hình như chỉ có một cuộc chiến tiêu biểu của ông Xuân Thiều, đại tá quân đội. Ngay cả Đất Trắng của Nguyễn Trọng Oánh, viết những năm 1978, 1979 cuốn này nói về một cấp chỉ huy,cấp chính ủy của phía Bắc chịu không nổi gian khổ đã ra đầu hàng phía Nam...Có thể đây là lần đầu tiên văn học miền Bắc nói đến chuyện đầu hàng trong chiến tranh...”.
Nhưng có một thực tế là cho dù những tác phẩm của các nghệ sĩ phía Bắc vĩ tuyến 17 cho dù mang tính xung trận, mang hơi hướm tuyên truyền nhưng vẫn không giấu được giọt nước mắt trong sâu thẳm tâm hồn của người nghệ sĩ. Cuộc chiến tử sinh, một chiến cuộc đã lấy đi quá nhiều sinh mạng đồng đội của họ, cho dù đứng trên biên kiến nào thì nỗi đau, nỗi mất mát vẫn là điều không thể giấu được.
Nếu như nói về chiến tranh, nói về Mậu Thân thì mình đọc những tác phẩm văn học miền Nam. - Nhà thơ Đỗ Trung Quân
Điều này trở nên rõ ràng hơn trong tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của nhà văn Bảo Ninh. Bảo Ninh không viết về cuộc chiến Mậu Thân 1968, ông viết về nỗi đau chung của chiến tranh, trong đó có cả bóng dáng của chiến dịch Mậu Thân và chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Với ông, chiến tranh là một nỗi buồn, và nỗi buồn này đeo đăng suốt một thế hệ, nhiều thế hệ mà chiến tranh đã để lại vết tích trên thân thể lịch sử của nó.
Cuộc chiến trong mắt Bảo Ninh là một ván bài mà ở đó, tất cả đều thua, không hề có người thắng cuộc, kẻ thắng cuộc ẩn danh duy nhất mà ông tiết lộ có lẽ là hố chôn bộ bài cũng như nỗi ám thị thắng thua trên mặt quân bài. Và chiến tranh đã lấy đi cái đẹp, lấy đi tuổi xuân, lấy đi tính nhân văn của con người một cách không thương tiếc.
Với nhà văn từng sống, trải nghiệm tuổi thơ chiến tranh ở Sài Gòn như nhà thơ Đỗ Trung Quân, ông chia sẻ: “Cho mình xem thử tác phẩm văn chương về Mậu Thân 1968? Mình chưa thấy! Nếu như nói về chiến tranh, nói về Mậu Thân thì mình đọc những tác phẩm văn học miền Nam, đó là những tác phẩm mô tả nỗi bi thương, nỗi mất mát của chiến tranh chứ không phải là tụng ca hay nói về chiến thắng. Mình không thấy gì ngoài nỗi mất mát...”.
Một cuộc chiến đã đi qua 50 năm, đúng nửa thế kỉ, nhưng cái chết, nỗi đau vẫn như vừa sơ sinh, tiếng khóc và trận gió oan hồn trong cuộc chiến vẫn còn phảng phất đâu đó trong gió tháng Chạp.
Nói cho cùng, chiến tranh là một thứ gì đó làm người ta mất mát quá nhiều và nó chỉ xứng đáng để hồi tưởng, để nhớ, để tưởng niệm và kính cẩn nghiêng mình với sự mất mát, với cái chết, với vết thương dân tộc. Chiến tranh hoàn toàn không xứng đáng để ngợi ca cho dù đứng trên biên kiến nào. Những hành động ngợi ca chiến tranh, ngợi ca sự mất mát không thể ngồi chung với văn minh nhân loại.
Bài viết ngắn ngủi này xin được xem như một sự tưởng tiếc, nghiêng mình kính cẩn trước các oan hồn Việt Nam đã ngã xuống và vĩnh viễn im hơi lặng tiếng trong chiến cuộc Mậu Thân 1968. Bài viết như một nén tâm nhang của thế hệ hậu chiến tranh viết về mối cảm hoài trong một buổi chiều cuối năm, nghĩ về quê hương, đất nước!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Thảm sát ở Khe Đá Mài-Huế: Nỗi đau âm ỉ 50 năm

Hai bà mẹ bên di ảnh của con trai bị sát hại trong thảm sát tại Khe Đá Mài, tại đám tang ở nghĩa trang Ba Tầng-Huế. Di ảnh của nạn nhân Đỗ Long bên trái (từ trái sang).
Hai bà mẹ bên di ảnh của con trai bị sát hại trong thảm sát tại Khe Đá Mài, tại đám tang ở nghĩa trang Ba Tầng-Huế. Di ảnh của nạn nhân Đỗ Long bên trái (từ trái sang).
 Courtesy: Linh mục Phan Văn Lợi cung cấp
Trong toàn bộ biến cố Mậu Thân ở Huế, cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy được đánh giá là dã man và thê thảm nhất.

Giáo xứ Phủ Cam 50 năm trước

Bà cụ Đỗ Thị Xuân hồi tưởng lại những gì diễn ra với gia đình của bà và của nhiều gia đình khác trong giáo xứ Phủ Cam, ở Huế vào ngày Tết đầu năm Mậu Thân, cách nay 50 năm:
“Đầu năm Tết 1968, khi đó súng bắn dữ quá. Mấy người nói lên nhà thờ là an toàn nhất. Ngày sau đó, gia đình lên nhà thờ. Ở trên đó hai ngày thì phải! Khi đó, súng bắn hai, ba ngày rồi. Cậu em canh gác bên ngoài vào lúc khuya chạy lại chỗ cha tôi nằm và nói ‘Cha ơi, Việt cộng tràn vô rồi’. Đến khuya thì Việt cộng tràn vô nhà thờ. Trời ơi, họ đi khám xét, rọi đèn pin từng mặt người.”
Bà cụ Xuân kể lại tỉ mỉ từng chi tiết như là vụ việc vừa mới xảy ra, bởi vì nỗi ám ảnh kinh hoàng luôn hằn sâu trong ký ức của bà và của người thân trong gia đình về cái chết của cậu em trai út trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài.
Họ nhảy dù xuống và vớt lên nào là chuỗi, nào là dây chuyền, qua 2 trận lụt trong 20 tháng làm thịt người bị rã ra, mắc trên cây do nước dâng lên. Còn dưới suối thì họ vớt lên xương cốt, đủ thứ hết
-Bà Đỗ Thị Xuân
Bà cụ Xuân cho biết sau khi bộ đội Bắc Việt và Việt cộng nằm vùng kiểm tra mọi người đang trú ẩn ở nhà thờ Phủ Cam, thì phụ nữ và trẻ em được cho về. Người em trai út của bà là Đỗ Long, 16 tuổi bị bắt lại khi đang cùng gia đình trên đường trở về nhà. Người em trai kế Đỗ Thanh, là thanh niên tự vệ trong giáo xứ đã bị mất liên lạc nên không rõ có bị bắt hay không.
“Việt cộng vào trong thành phố, còn xung quanh thì đạn bắn rớt ào ào. Khi đó, họ cho người về nhắn rằng nếu ai có thân nhân bị bắt thì mang đồ ăn cho 3 ngày mang lên cho những người ‘học tập’ ở chùa Từ Đàm. Mẹ tôi nấu cơm bới giống như cục bột, bới hai giỏ vì không biết cậu anh có bị bắt không. Tôi trẻ nên tôi đi mang cơm lên chùa Từ Đàm, để hai giỏ xách, ghi tên Đỗ Long/1 giỏ xách và Đỗ Thanh/1 giỏ xách rồi tôi đi về.”
Kể từ khi đặt hai giỏ cơm tại sân chùa Từ Đàm, gia đình của bà cụ Xuân không bao giờ được gặp lại người con, người em Đỗ Long một lần nào nữa.
Cùng hoàn cảnh với gia đình bà cụ Xuân, lúc bấy giờ hàng trăm gia đình giáo dân trong giáo xứ Phủ Cam và rất nhiều gia đình Phật tử tại địa phương cũng không biết số phận của những người đàn ông và các thanh niên trong gia đình mình sẽ như thế nào. Nỗi hoang mang và lo sợ phủ trùm cả đất cố đô kinh thành Huế không chỉ trong 26 ngày đêm dịp Tết Mậu Thân khi quân đội Bắc Việt chiếm đóng, mà còn kéo dài suốt thời gian nửa thế kỷ qua.

Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài được phơi bày

Hai thanh niên bị bắt trong số hàng trăm người bị đưa đến chùa Từ Đàm, là hai nhân chứng duy nhất còn sống sót, chạy thoát trước khi cuộc thảm sát diễn ra trong ít phút đồng hồ. Họ kể lại hầu hết những người bị bắt là giáo dân giáo xứ Phủ Cam, đều là học sinh, sinh viên, thanh niên hiền lành. Khỏang 20 người bị bắn chết ngay tại chùa Từ Đàm và chôn xác luôn tại đó. Một vài người được cho về để nhắn tin các gia đình mang đồ ăn đến chùa Từ Đàm cho thân nhân trong thời gian ‘học tập’ 3 ngày. Hàng trăm người còn lại được thông báo Cách mạng đưa đi học tập 3 ngày cho thấm nhuần đường lối rồi sẽ cho về. Ngay sau thông báo, từng người bị trói thúc ké bằng dây điện thoại và bị xâu lại thành chùm, gồm 20 người bằng một sợi dây kẽm gai. Tổng cộng có khoảng 25 chùm, tức vào khỏang 500 người.
500 người này bị đẩy ra đường trong đêm tối, bị 30 bộ đội Bắc Việt áp giải. Họ đi trong bóng đêm dưới trời mưa lâm râm, phải qua sông bằng bè lồ ô và có lúc lên đồi, khi lại xuống lũng, qua khe, thỉnh thoảng được soi chiếu bằng những cây đèn pin hay vài ngọn đuốc của các bộ đội. Những người bị bắt cảm nhận được đang đi sâu vào trong rừng, nhưng vì là trong đêm tối nên họ không biết ở khu vực nào.
Tôi lên tìm được cái áo của cậu em tôi. Đem về thì biết em tôi bị đâm từ sau lưng đâm tới với một đường dài khỏang hơn 10 phân. Hiện bây giờ trong nhà còn giữ chiếc này, bỏ trong cái hộp xà cừ
-Bà Đỗ Thị Xuân
Một nhân chứng hiện còn sống chính là người nghe lỏm được các bộ đội nói với nhau rằng trong vòng 15 đến 20 phút nữa sẽ thủ tiêu hết những người bị trói. Nhân vật này báo cho người bạn đang bị trói cạnh bên để tìm cách trốn chạy. Trong lúc đi xuống dốc và nghe tiếng nước róc rách gần kề, hai người đã cùng nhau bỏ chạy. Mặc dù có những tiếng súng bắn đuổi theo, nhưng hai người họ may mắn được thoát. Vào đúng khuya mùng 7 rạng sáng mùng 8 Tết Mậu Thân, hai thanh niên này nghe tiếng súng AK nổ vang rền và lựu đạn nổ tới tấp. Một góc rừng rực sáng chen lẫn với những tiếng khóc la khủng khiếp.
Đến tận 20 tháng sau biến cố Mậu Thân, vào tháng 10 năm 1969, tin tức về cuộc thảm sát này mới được phơi bày do tù binh Việt cộng cho biết địa điểm tại Khe Đá Mài, ở trong rừng Đình Môn Kim Ngọc, nay thuộc xã Dương Hòa, quận Hương Thủy. Vào thời điểm đó, công binh mất hai ngày dùng mìn phá ngã các cây cổ thụ để tạo ra khoảng trống đủ lớn cho trực thăng đáp xuống. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa phụ trách việc bốc các di hài nạn nhân. Bà cụ Đỗ Thị Xuân nhớ lại:
“Ngày đó tôi coi tin tức trên tivi thôi. Họ nhảy dù xuống và vớt lên nào là chuỗi, nào là dây chuyền, qua 2 trận lụt trong 20 tháng làm thịt người bị rã ra, mắc trên cây do nước dâng lên. Còn dưới suối thì họ vớt lên xương cốt, đủ thứ hết.”
Bà cụ Xuân cho biết sau đó, bà tìm được cái áo sơ mi của cậu em trai út Đỗ Long mặc vào ngày bị bắt, vì người thân từ Quy Nhơn đã gửi hai xấp vải ra Huế để may cho hai cậu em của bà mặc đón Tết Mậu Thân:
“Tôi lên tìm được cái áo của cậu em tôi. Đem về thì biết em tôi bị đâm từ sau lưng đâm tới với một đường dài khỏang hơn 10 phân. Hiện bây giờ trong nhà còn giữ chiếc này, bỏ trong cái hộp xà cừ.”
Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân Cộng sản Tết Mậu Thân, nhân dịp biến cố lịch sử này tròn 40 năm, cũng kể lại với RFA rằng:
Chúng tôi thấy các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên các thi hài đó còn thấy các dây điện thoại trói lại.”

Nỗi ám ảnh dài nửa thế kỷ

Những người tôi đã tiếp xúc thì đều mong muốn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bày tỏ thái độ nhận lỗi, xám hối vì đã giết những người vô tội. Họ mong muốn nhà cầm quyền phải thừa nhận điều đó một cách chính thức. Thứ hai nữa là ngôi mộ tập thể ở núi Bân, tức là núi Ba Tầng cần phải được chỉnh trang và tôn tạo lại; bởi vì cho đến bây giờ vẫn để hoang phế cỏ mọc um tùm, thậm chí có những người đến đó còn bị gây khó dễ này nọ. Đó là ước nguyện của những người có thân nhân đã khuất
-Linh mục Phan Văn Lợi
Theo truyền khẩu từ các gia đình nạn nhân bị giết hại trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, có khoảng 400 bộ hài cốt được tìm thấy và được đưa về an táng tại nghĩa trang ở núi Ba Tầng (núi Bân). Nghĩa trang xây thành hình bán nguyệt, hai bên có bàn thờ che mái cho tín đồ Phật giáo và Công giáo đến cầu nguyện. Ở giữa phía sau có một bia tưởng niệm. Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, chính quyền mới ở Huế đã dùng mìn để phá trụ bia và hai bàn thờ.
Từ đó cho đến nay, suốt 50 năm qua nghĩa trang bị hoang tàn. Các gia đình có thân nhân bị sát hại ở Khe Đá Mài đến viếng nghĩa trang Ba Tầng hầu như bị chính quyền địa phương làm khó dễ.
Linh mục Phan Văn Lợi, người được gặp gỡ và được nghe nhân chứng còn sống sót trong cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài kể lại tường tận vụ việc, nói với Đài Á Châu Tự Do về nguyện vọng của những gia đình có người thân bị thảm sát tại Khe Đá Mài:
Những người tôi đã tiếp xúc thì đều mong muốn là nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bày tỏ thái độ nhận lỗi, xám hối vì đã giết những người vô tội. Họ mong muốn nhà cầm quyền phải thừa nhận điều đó một cách chính thức. Thứ hai nữa là ngôi mộ tập thể ở núi Bân, tức là núi Ba Tầng cần phải được chỉnh trang và tôn tạo lại; bởi vì cho đến bây giờ vẫn để hoang phế cỏ mọc um tùm, thậm chí có những người đến đó còn bị gây khó dễ này nọ. Đó là ước nguyện của những người có thân nhân đã khuất.”
Một số các gia đình có thân nhân bị sát hại tại Khe Đá Mài nói riêng và bị mất mạng trong các cuộc thảm sát ở Huế chia sẻ với RFA rằng mỗi năm Tết về, nỗi đau âm ỉ mất mát người thân được truyền lại cho thế hệ con cháu, nhắc nhở hãy tha thứ cho những người Cộng sản một khi họ chân thành hối lỗi và cũng đừng bao giờ quên biến cố lịch sử quan trọng của dân tộc, như bà cụ Xuân khẳng định“Biến cố Mậu Thân là diệt chủng” để những người Việt máu đỏ da vàng không sát hại đồng bào mình một lần nào nữa hết.

50 năm cuộc thảm sát Mậu Thân (1968-2018)

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi (Danlambao) - Toàn thể dân Việt đang bước vào thời điểm tưởng niệm 50 năm biến cố Tết Mậu Thân (1968-2018). Đây là sự kiện thuộc hạng đáng ghi nhớ nhất trong Việt sử vì nhiều mối liên hệ: ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết dân tộc, cuộc tấn công của Cộng sản VN bất chấp tuyên bố hưu chiến, sự thất bại thảm hại của cuộc tổng tấn công về mặt quân sự và chính trị, tội ác đã gây ra cho chính Đồng bào Việt Nam, thái độ cố chấp của Cộng sản không nhìn nhận sai phạm của họ, dù đã nửa thế kỷ.

1- Trước hết, xin nhắc lại những thời điểm then chốt: Ngày 19-10-1967, nhà cầm quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố: vào dịp Tết Mậu Thân, miền Bắc Việt Nam tự nguyện ngưng bắn từ 27-01 đến 03-02-1968 (tức 28 tháng Chạp đến 05 tháng Giêng Mậu Thân, 8 ngày). Ngày 17-11-1967, tới lượt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - tổ chức chính trị mà trên danh nghĩa điều hành và chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động “giải phóng miền Nam” nhưng thực chất chỉ là công cụ của Hà Nội - long trọng đưa ra tuyên bố tương tự.

Chính quyền Việt Nam Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu dè dặt hơn nên mãi đến ngày 16-12-1967 mới tuyên bố cũng tự nguyện ngừng bắn từ 30-01 đến 01-02-1968 (3 ngày, mồng 1 đến mồng 3 Tết Mậu Thân). Sau tuyên bố vừa kể, đa phần quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa được nghỉ phép ăn Tết, lệnh giới nghiêm trên toàn miền Nam được bãi bỏ…

Thế nhưng đêm 29 rạng ngày 30-01-1968 - đúng thời điểm Giao thừa âm lịch - nhiều đơn vị quân đội và du kích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẫn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hoà đồng loạt nổ súng, mở đầu cái gọi là cuộc “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân 1968”; ở các chiến trường còn lại - do hiểu khác - đã khởi chiến đúng vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968 (tức đêm 1 tết theo lịch miền Nam). Và chỉ trong vòng 2 ngày, chúng đã tiến vào 41 thành phố, thị xã, 72 quận lỵ, kể cả thủ đô Sài Gòn và cố đô Huế, nghĩa là đánh vào các khu dân cư. Cả miền Nam, từ chính quyền đến dân chúng đều choáng váng trước kiểu “tự nguyện ngừng bắn” này của Việt cộng.

Choáng váng là phải, vì Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đến nay đều xem Tết có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng. Bởi lẽ đó không những là thời điểm năm cũ chuyển sang năm mới theo định luật của trời đất, nhưng quan trọng hơn, trong văn hóa dân tộc, đó là thời gian dành cho đoàn tụ gia đình, yêu thương hòa giải, cầu mong an lành cho nhau và hy vọng tương lai tốt đẹp. Đó là lúc người ta đốt nén hương dâng lên tổ tiên và những người đã khuất trong niềm tưởng nhớ các kỷ niệm và lời giáo huấn; đó là lúc cha mẹ con cái sum vầy trong tinh thần xí xóa chuyện cũ, sống giây phút hiện tại cách đầm ấm, bên những thức ăn ngon lành và ý nghĩa hay qua những trò vui mang bản sắc văn hóa dân tộc; đó là lúc mọi người cầu chúc cho nhau và hứa hẹn với nhau những điều tốt đẹp trong 365 ngày sắp tới. Thế nhưng, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc và lịch sử bao cuộc chiến tranh trên đất nước, Việt cộng đã tung ra một cuộc tấn công những người cùng da vàng máu đỏ tại các khu vực cư dân đông đúc vào chính những giờ khắc linh thiêng nầy. Tiếng pháo đã chen lẫn tiếng súng! Rượu hồng đã hòa vào máu đỏ! Bánh tét đã trộn lẫn với thịt người!

2- Nhằm kỷ niệm 50 năm biến cố ấy, đảng và nhà nước VC đã làm lễ ăn mừng sáng ngày 31 tháng 01 tại Hội trường Thống nhất, thành Hồ, với chủ đề “Bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968”. Trước đó họ đã đồng loạt tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia” với đề tài “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, và tung ra 2 bài viết ca tụng cái gọi là “chiến thắng” trong chiến dịch này của Chủ tịch nước VC Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.

Mục đích của Hội thảo được Thượng tướng VC Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, xác định: “Góp phần tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH), lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống đại đoàn kết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Dĩ nhiên đó chỉ là tuyên truyền xuyên tạc và nhồi sọ!

Tại cuộc Hội thảo do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy HCM phối hợp tổ chức ngày 29-12-2017 tại Sài Gòn, nơi có các mục tiêu quan trọng bị tấn công như Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ và Đài Phát thanh Sài Gòn, các diễn giả đã tận lực khoe khoang cho cái gọi là “giá trị của cuộc tổng tiến công và nổi dậy; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch HCM; tái hiện diễn biến và những nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc tổng tiến công, trình độ chỉ huy, khả năng cơ động và phối hợp chiến đấu giữa các lực lượng trên chiến trường miền Nam…”. Ngô Xuân Lịch thì huênh hoang nhận định: “Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam; đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ…”. Không chỉ có thế, ông Lịch còn bịa thêm rằng:“Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng xây dựng LLVT ba thứ quân, nhất là xây dựng bộ đội chủ lực từng bước phát triển lớn mạnh. Theo đó, đến cuối năm 1967, lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam đã phát triển lên 278.000 người, được tổ chức thành 190 tiểu đoàn chiến đấu, bố trí bí mật trên khắp các chiến trường. Đây là một trong những nhân tố tạo sức mạnh trực tiếp, quyết định thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sắc sảo của Đảng ta về xây dựng LLVT nhân dân trong chiến tranh giải phóng dân tộc.”

Làm gì có cái gọi là “Lực lượng bộ đội chủ lực toàn miền Nam” do chính người miền Nam lập ra để hình thành “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”! Thật ra đa số trong đội ngũ này là của miền Bắc được đào tạo đưa vào Nam, phối hợp với 30 đến 40 ngàn bộ đội VC được giữ lại trong Nam mà không tập kết ra Bắc theo điều kiện của Hiệp định Geneve 1954, rồi nhập chung với du kích miền Nam để cùng đội mũ tai mèo, đi chân đất, mặc quần xà lỏn, bận áo bà ba đen và tới đâu cũng khoe là “quân giải phóng”. Chính đạo quân “nằm vùng” này là lực lượng nòng cốt để Hà Nội thành lập cái gọi là Quân đội Giải phóng và Mặt trận Giải phóng miền Nam tay sai ngày 10-12-1960. Ngô Xuân Lịch cũng không ngần ngại cho rằng VC đã chiến thắng dòn dã ở Huế như sau: “Đặc biệt, với 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế đã khẳng định sức mạnh của LLVT ba thứ quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam anh hùng”. Trong “Lễ kỷ niệm 50 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức với Sở Giáo dục hôm 15-11-2017, VC còn khoe khoang một cách trâng tráo lố bịch: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại Cần Thơ chủ yếu tập trung tại vị trí lịch sử Lộ Vòng Cung, kéo dài trong 3 đợt, từ ngày 30-01 đến ngày 30-09-1968, loại khỏi vòng chiến 25.000 tên địch, phá hủy 228 máy bay, cùng nhiều đồn bốt, súng các loại?!?

3- Điều lạ là tất cả nội dung VC dành tung hô biến cố MT đã không có một chữ hay con số nào nói lên sự tổn thất lớn lao của bộ đội miền Bắc và quân du kích trong Nam. Nhưng người ta còn nhớ khi bộ phim tài liệu dài 12 tập “Mậu Thân 1968” (đầy dối trá vì phủ nhận việc thảm sát thường dân và các hố chôn người) được bắt đầu chiếu trên đài Truyền hình VN từ ngày 25-01-2013, nữ đạo diễn Lê Phong Lan đã cho biết lý do làm phim trễ: nhà cầm quyền VC coi vụ Mậu Thân là “vấn đề nhậy cảm” chẳng ai muốn nói đến. Đó là vì - Lê Phong Lan nói - “sự tổn thất của quân đội nhân dân Việt Nam ở sự kiện này quá nhiều. Tâm sự với tôi khi trả lời phỏng vấn, nhiều chỉ huy các sư đoàn dạn dày chiến trận còn khóc nức lên vì thương lính. Đó là lý do duy nhất”. Trên thực tế, cả quân miền Bắc lẫn du kích miền Nam đã thiệt hại rất nặng. Theo ước tính của các chuyên gia quân sự thì trong cuộc tấn công ấy, VC đã vận dụng từ 323,000 đến 595,000 quân chính quy và địa phương trong Nam để thực hiện kế hoạch chống lại khoảng 1 triệu 200 ngàn quân VNCH và Hoa Kỳ, với dự kiến chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên kế hoạch lớn lao của Hà Nội đã bị quân và dân VNCH được sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ đánh bại. Khoảng từ 85,000 đến 100,000 quân VC bị loại khỏi vòng chiến, so với thiệt hại của bên kia là trên 6,000 tử thương, ngót 30,000 bị thương và trên 1,000 quân bị mất tích. Theo báo chí của VC tiết lộ vào năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm Mậu Thân, đã có trên 100,000 lính VC mất tích hay vong mạng. Ngoài ra, suốt thời gian biến cố Mậu Thân và đặc biệt tại thành phố Huế bị chiếm đóng lâu nhất, không nơi nào có “nổi dậy” của nhân dân như VC tuyên truyền từ trước cho bộ đội, và cũng chẳng có nơi nào dân bỏ phía Quốc gia chạy sang phía Cộng sản. Hà Nội quả đã thất bại thê thảm về mặt quân sự lẫn chính trị. Chính một sĩ quan cao cấp VC, thiếu tướng Huỳnh Công Thân, “anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân”, tỉnh đội trưởng Long An, tư lệnh Phân khu 3 khi diễn ra cuộc “Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Tết Mậu Thân”, trong hồi ký “Ở chiến trường Long An” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1994) đã cho thấy ai thắng ai thua trong kế hoạch vừa điên rồ, vừa phi nhân đó. Còn “độc đáo”, “oanh liệt” hay không thì chỉ cần đọc lại những lời tuyên bố của trung tướng VC Trần Văn Trà nhìn nhận Bộ chỉ huy Cộng sản đã tính toán sai lầm trong vụ tấn công quân sự Mậu Thân. Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong bài viết “Về Với Dân, phần 3: Khắc khoải xuân Mậu Thân 1968”https://nhatbaovanhoa.com/a692/tet-mau-than-1968-nhin-tu-mot-nha-van-dang-vien-cong-san-o-ha-noi có kể rằng khi nghe nhà văn quân đội CS, đại tá Xuân Thiều trình bày: “Tôi thấy Tết Mậu Thân 68 ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều..”. Mới nghe có thế, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: “Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!...” rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn. Phần Chế Lan Viên, một thi nô của VC (nhưng sám hối cuối đời) với chỉ một câu thơ, đã nói lên nhiều ý nghĩa. Ông đã mở đầu bài thơ “Ai? Tôi?” viết năm 1987 như sau: “Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng. Chỉ một đêm, còn sống có 30. Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?”

4- Nhưng phải nói trách nhiệm lớn lao nhất của Việt cộng trước Dân tộc, trước Lịch sử chính là cuộc thảm sát thường dân tại Huế trong 25/26 ngày chúng chiếm được thành phố này. Ông Nguyễn Lý Tưởng, nhà sử học, cựu Dân biểu khu vực Thừa Thiên, người đã sống vào thời điểm xảy ra biến cố Tết Mậu Thân ở Huế và các nơi khác cũng như từng tiếp xúc với một số nhân chứng của cả hai bên (Quốc gia lẫn VC hồi chánh), đã kể lại trong “Cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Vietnam Center" (Lubbock, Texas, Hoa Kỳ) từ 13 đến 15-03-2008 như sau: “Các nạn nhân bị thảm sát tại Huế và Thừa Thiên được tìm thấy tại trường tiểu học Gia Hội, chùa Theravada, Bãi Dâu, Cồn Hến, Tiểu Chủng viện, khu vực phía Tây Huế gần lăng Tự Đức và lăng Đồng Khánh, cầu An Ninh Thượng, cửa Đông Ba, trường An Ninh Hạ, trường Văn Chí, chợ Thông, Lang Xá Cồn, gần lăng Gia Long, gần chùa Tường Vân, Đông Gi (Di), Vinh Thái, Thủy Thanh, Lương Viện, Phù Lương, Phú Xuân (Phú Thứ), Thượng Hòa, Vinh Hưng, Khe Đá Mài... tất cả 23 địa điểm tổng cộng 2326 xác chết (sọ người). Còn khoảng trên 3,000 nạn nhân thuộc tỉnh Thừa Thiên và Huế đã được thân nhân xác nhận là chết hoặc bị bắt đi thủ tiêu, mất tích... không biết họ đã bị giết chết và chôn xác ở đâu?!

Dã man nhất là tại Khe Đá Mài (thuộc vùng núi Đình Môn, Kim Ngọc, quận Nam Hòa, tỉnh Thừa Thiên). VC đã dùng súng trung liên, đại liên, lựu đạn và mìn giết tập thể các nạn nhân, vất xác xuống dưới khe, lâu ngày thịt thối rữa bị nước cuốn đi, chỉ còn 428 sọ người, xương người dồn lại một đống. Người ta đã dựa vào các dấu vết còn lại của nạn nhân như áo len, tượng ảnh, giấy căn cước bọc nhựa... để biết được thân nhân của mình đã chết ở trong đống sọ và xương lẫn lộn đó. Đa số những nạn nhân nầy là giáo dân bị bắt ở nhà thờ Phủ Cam vào đêm mùng 5 Tết (03-02-1968)”

Về cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài, người viết đã có may mắn gặp được chứng nhân duy nhất còn sống của biến cố đó, đã phỏng vấn đương sự và đã ghi lại tường thuật của đương sự trong bài viết dài 6 trang A4: “Biến cố Mậu Thân-Cuộc thảm sát tại Khe Đá Mài” phổ biến tháng 11-2007, nhân kỷ niệm 40 năm cuộc thảm nạn này. (http://www.duocviet.org/2017/02/05/bien-co-mau-than-cuoc-tham-sat-tai-khe-da-mai/). Những giáo dân Phủ Cam bị thảm sát trong vụ này (công chức, thanh niên, học sinh hiền lành) là nạn nhân vô tội của việc Cộng sản trả thù những chiến binh (lính chính quy và nghĩa quân VNCH) đã cầm súng bảo vệ giáo xứ suốt mấy ngày nhưng sau đó phải rút về Phú Bài vì không được tiếp viện.

Sự tàn ác vô nhân tính của VC trong cuộc thảm sát tại Huế đã được nhà văn Đinh Lâm Thanh, hiện sống ở Pháp, chứng nhân biến cố, mô tả như sau trong bài thuyết trình dịp tưởng niệm 40 năm biến cố tổ chức tại Paris ngày 02-03-2008: “Tại Huế, CS lùng bắt thành phần quân-cán-chính, tập trung dân để tổ chức đấu tố, bắn giết, chôn sống tại chỗ một số và dẫn những người còn lại theo làm tù dân - tôi nói tù dân, vì tù là những người dân vô tội - trước khi rút lui tháo chạy trước sức tấn công mãnh liệt của QLVNCH và Đồng minh… Mỗi hố chôn tập thể từ 5, 7 người đến trên 400 nạn nhân như ở Khe Đá Mài. Những nạn nhân nầy bị thảm sát một cách dã man như: Cột chùm lại với nhau và đốt cháy bằng xăng, bắt ngồi trên mìn rồi cho nổ tan xác, chặt đầu, bắn vào ót, đập chết bằng bá súng, đóng cọc từ dưới bàn tọa lên đến cổ, trói tay chân thành từng chùm rồi xô xuống hố chôn sống”.

Ông Võ Văn Bằng, Trưởng ban Cải táng Nạn nhân CS Tết MT nói với đài Á Châu Tự Do (RFA) năm 2008 : “Các hố cách nhau. Mỗi hố vào khoảng 10 đến 20 người. Trong các hố, người thì đứng, người thì nằm, người thì ngồi, lộn xộn. Các thi hài khi đào lên, thịt xương đã rã ra. Trên thi hài còn thấy những dây lạt trói lại, cả dây điện thoại nữa, trói thành chùm với nhau. Có lẽ họ bị xô vào hố thành từng chùm. Một số người đầu bị vỡ hoặc bị lủng. Lủng là do bắn, vỡ là do cuốc xẻng…”

Trong bài nói chuyện tại buổi Tưởng niệm 40 năm Tết Mậu Thân, Việt Báo Gallery ngày 29-3-2008, nhà văn Nhã Ca tác giả “Giải Khăn Sô Cho Huế” đã tố cáo: “Bốn mươi năm trước đây, đúng vào giờ trưa mùng Hai Tết, tại Cửa Đông Ba Huế, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi đột nhập,CS khai diễn cuộc tàn sát. Toán nạn nhân đầu tiên gồm 5 thường dân -không hề có người lính Cộng hòa nào. Tất cả bị trói, bắt đứng quay lưng vào tường thành. Dân chúng đứng coi. Súng AK nổ. Từng người gục chết. Sau cuộc hành hình, thân nhân những người bị bắn nhào ra muốn ôm xác. Họ bị đánh, bị đá, bị đuổi. Xác người bị phơi ngày phơi đêm. Nắng. Máu. Giòi bọ… Và cuộc tàn sát tiếp tục. Không bằng súng đạn mà bằng cách chôn sống. Những nạn nhân bị cột trói bằng dây điện dính chùm xếp hàng bên hố. Một vài người bị đập đầu. Cả dây người đang sống bị đạp xuống hố đè lên nhau. Cái đầu nào ngóc lên bị đập bằng cuốc. Cứ thế mà chôn hàng ngàn người. Bạn tôi, chị Tâm Túy cũng đã bị chôn sống. Khi xác đào lên, thấy hai tay chị vói lên như đang cố cào bới đất. Móng tay, móng chân mọc dài hơn. Tóc mọc dài hơn… Bạn tôi bị chôn sống khi còn đầy sức sống... Huế Tết Mậu Thân. Hàng ngàn người đã bị chôn sống như thế” (Việt Báo ngày 31-3-2008).

5- 50 năm đã trôi qua. Nhiều chứng nhân vẫn còn sống (trong đó có kẻ viết bài này), nhiều chứng tích vẫn tồn tại (chẳng hạn ngôi mộ tập thể chôn cất xương cốt của hơn 400 nạn nhân khe Đá Mài tại núi Ba Tầng [núi Bân], phía Nam thành phố Huế, nhưng trong tình trạng bị bỏ hoang phế với trụ bia và hai bàn thờ bị VC phá hủy ngay sau tháng 4-1975), vô số tài liệu đã được công bố rộng rãi trên mạng về cuộc thảm sát cách đây nửa thế kỷ. Thế nhưng đảng và nhà cầm quyền VC vẫn quyết tâm không thừa nhận sự thật, lãnh nhận trách nhiệm, công nhận tội ác tầy trời mà chính họ đã gây ra cho Dân tộc và Đồng bào trong những ngày xuân năm 1968, vẫn không giải oan cho các nạn nhân vô tội bị giết bằng cách chính thức tạ tội và để tự do cho bất cứ cá nhân hay tập thể nào tưởng nhớ các nạn nhân này, vẫn tiếp tục trình bày biến cố Mậu Thân như một chiến thắng lừng lẫy.

Tâm địa tàn ác ngay cả với đồng bào và thói bất hối lỗi đó đã ăn sâu trong con người Cộng sản, nhất là giới lãnh đạo. Nó bắt nguồn từ Hồ Chí Minh, với bài viết “Địa chủ ác ghê” (1953), bản cáo trạng vu khống và tuyên án tử hình vô tiền khoáng hậu đối với ân nhân của đảng là bà Nguyễn Thị Năm, với việc để cho Trần Quốc Hoàn giết chết người tình đã có con với mình là Nguyễn Thị Xuân; rồi từ bộ Chính trị đảng thời đầu với cuộc Cải cách Ruộng đất giết trực tiếp lẫn gián tiếp nửa triệu nông dân miền Bắc, với cuộc xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa làm vong mạng gần 4 triệu đồng bào hai miền đất nước (chết vì đánh trận, chết vì ám sát thủ tiêu, chết vì mìn nổ trên đường, vì lựu đạn ném vào rạp hát, chợ búa, nhà hàng, vì đạn pháo kích vào trường học…). Tâm địa tàn ác và thói bất hối lỗi đó tiếp tục sau năm 1975 với việc tàn sát hơn 100 ngàn quân nhân cán chính VNCH trong các trại tập trung cải tạo, với việc đẩy hàng triệu Đồng bào ra biển khơi hay vào rừng thẳm để chạy trốn chế độ mà một nửa đã vong mạng, với việc gây ra nạn dân oan hàng chục triệu người nay sống dở chết dở, với việc giết oan hàng trăm công dân bị bắt bắt vào đồn, với việc thản nhiên tuyên những bản án tử hình cho nhiều người vô tội như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và mới đây nhất là cho Đặng Văn Hiến, anh nông dân tự vệ giữ đất…. Chưa thấy Việt Cộng hối lỗi bao giờ trước các tội ác đó! Đó là chưa kể tội ác đẩy đất nước vào cơn lụn bại mọi mặt, dân chúng vào cảnh điêu linh cuộc sống, Tổ quốc vào nguy cơ xóa sổ vĩnh viễn vì Tàu cộng xâm lăng như hiện thời.

Bài viết này là một nén hương lòng tưởng nhớ hàng vạn oan hồn biến cố Mậu Thân, trong đó có 5 thầy dạy, 5 bạn học và nhiều thân nhân của người viết, cũng như tưởng nhớ oan hồn của hàng triệu đồng bào nạn nhân từ khi đảng VC xuất hiện (1930). Ngoài ra, đây cũng là lời kêu gọi đảng và nhà cầm quyền CSVN hãy biết thành tâm nhận lỗi trước nhân dân, coi như một bước đầu cho việc hòa giải hòa hợp Dân tộc thực sự. Thêm nữa, đây cũng là lời cảm tạ Thiên Chúa đã giữ cho tôi được sống đến ngày hôm nay để làm chứng nhân cho cuộc thảm sát và cho nhiều chuyện khác trong xã hội VN cộng sản. Bởi lẽ như đầu bài đã nói, nếu không vì hiểu khác mà VC tấn công Huế đêm giao thừa Mậu Thân thì ắt hẳn sáng ngày mồng 1 Tết tôi đã phải chạy lên trú ngụ tại nhà thờ Phủ Cam (để sau đó bỏ thây tại Khe Đá Mài), thay vì về làng quê Dương Sơn (cách Huế khoảng 8km) ăn tết và đã khỏi chung số phận với hơn 400 thanh niên hiền lành của giáo xứ Phủ Cam, nơi tôi đã và đang sống.

Huế ngày 04-02-2018

danlambaovn.blogspot.com


*


Những bài liên quan về tội ác của cộng sản trong Mậu Thân Huế đã đăng trên Danlambao:


Những hố chôn người trong cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Bác sĩ Alje Vennema viết một cuốn sách nhan đề "The Vietcong Massacre at Hue," xuất bản năm 1976, mô tả chi tiết cuộc tàn sát dã man người dân Huế do quân cộng sản thực hiện trong Tết Mậu Thân 1968. Là nhân chứng của cuộc thảm sát và tham gia trực tiếp trong việc tìm tòi các hầm chôn và phỏng vấn gia đình nạn nhân, bác sĩ Vennema trình bày cuộc khám phá 19 hố chôn tập thể với ít nhất 2.307 xác người. Báo cáo của Bác sĩ Vennema là bằng chứng hùng hồn cho sự gian xảo và tàn ác của nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) trong việc che giấu và chối bỏ tội ác tại Huế.

*

Cuộc thảm sát tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968 là một cuộc giết người vô nhân đạo do cộng sản Bắc Việt và cộng sản hoạt động trong miền Nam thực hiện, hầu như chắc chắn là do chỉ thị của giới lãnh đạo Hà Nội lúc bấy giờ. Đã có rất nhiều tài liệu, hình ảnh, phim ảnh, tường thuật nhân chứng về tội ác này. Tuy nhiên, vào năm 2013, sau 45 năm im lặng, nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam, trong một nỗ lực tuyệt vọng, cố xóa bỏ tội ác này bằng nhiều kế hoạch và mưu đồ gian ác. Những kế hoạch và mưu đồ gian ác này gồm có những hành động chối bỏ tội ác, thí dụ như cuốn phim "Mậu Thân 1968" do đạo diễn Lê Phong Lan, các bài viết, chương trình trên các phương tiện truyền thông. Năm 2018, NCQCS vẫn tiếp tục coi thường dư luận và chà đạp lên nỗi đau thương của người dân Huế nói riêng và dân Việt khắp nơi nói chung bằng cách linh đình ăn mừng kỷ niệm cuộc Tổng tấn công (Vũ 2018).

Trong hai bài viết đăng trên trang mạng Dân Làm Báo, tôi viết về cuộc thảm sát tại Huế và sự dối trá của NCQCS và Lê Phương Lan (Xem, Cao-Đắc 2014a; Cao-Đắc 2015a). Đặc biệt, tôi trích dẫn tài liệu trong sách viết bởi Bác Sĩ Y Khoa Alje Vennema, xuất bản năm 1976. Trong bài này, tôi sẽ trình bày lại 2 bài viết trên với vài sửa đổi, vài chi tiết cập nhật và kèm theo những hình ảnh trong sách của Vennema theo ý muốn của ông là "sự thật về Huế nên được biết" (Vennema 1976, Preface), để trình bày bằng chứng hùng hồn cho sự dối trá của NCQCS và Lê Phương Lan. 

A. Cuốn phim "Mậu Thân 1968" của Lê Phong Lan:

Tôi đã viết về cuốn phim "Mậu Thân 1968" của Lê Phong Lan trong một bài nói về những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam (Cao-Đắc 2014a). Sau đây là những ý chính bài đó và vài chi tiết cập nhật về Bác sĩ Alje Vennema.

Ngày 25 tháng 1 năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 khởi đầu phát hình bộ phim "Mậu Thân 1968" gồm 12 tập, do đạo diễn Lê Phong Lan thực hiện (Lê Tâm 2013). Theo Lê Phong Lan, bà ta đã đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 10 năm, "đã gặp và phỏng vấn khoảng 200 nhân chứng" cả mọi bên (cộng sản, Mỹ, và Việt Nam Cộng Hòa) để đi tìm sự thật (Lê Tâm 2013). Đáng buồn thay, cái sự thật mà Lê Phong Lan đi tìm, thực ra chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng trong việc xóa bỏ tội ác không tả xiết của cộng sản. 

Một cách khôi hài, bộ phim "Mậu Thân 1968" dường như cho thấy sau 45 năm im lặng, đã đến lúc phe cộng sản đem "sự thật" ra ánh sáng. Có ai tin là người cộng sản chịu im lặng trong 45 năm khi họ bị "vu oan"? Tuyên truyền là tài năng họ hãnh diện mà họ chịu im lặng trong 45 năm? 

Một cách trắng trợn, tập 8, nhan đề "Khúc ca bi tráng," chối bỏ cuộc thảm sát tại Huế do Việt Cộng, và đổ lỗi cho bom đạn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong một khúc phim, Lê Phong Lan phỏng vấn Nguyễn Đắc Xuân, kẻ nói rằng cuộc thảm sát là do phản kích tâm lý chiến của phe VNCH. Đoạn phim trích dẫn lời các học giả Hoa Kỳ Noam Chomsky, Edward S. Herman, và D. Gareth Porter cho rằng những người chết trong các hầm chôn tại Huế là do bom đạn Mỹ, do quân VNCH trả thù những cảm tình viên cộng sản khi tái chiếm Huế, và là những người lính cộng sản bỏ xác tại chiến trường. Luận điệu chống đỡ này chẳng có giá trị gì cả. 

Ai cũng biết Nguyễn Đắc Xuân là một trong những tên sát nhân đã giết những người dân Huế. Những kẻ sát nhân khác gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, và Nguyễn Thị Đoan Trinh (Xem, thí dụ như, Hình 13; Vennema 1976, 94). Phỏng vấn một chiều một kẻ bị coi là sát nhân về tội ác mà hắn gây ra là một chuyện ghê tởm trong phim tài liệu lịch sử. Trích dẫn lời của những học giả phản chiến về cuộc chiến quả thật là một nỗ lực ngu xuẩn của những kẻ muốn sửa lại lịch sử.

Do đó, không ngạc nhiên khi bộ phim "Mậu Thân 1968" không hề đề cập đến một nhân chứng vả tài liệu quan trọng nhất về vụ thảm sát Mậu Thân: Bác sĩ Alje Vennema và cuốn sách ông, nhan đề "The Vietcong Massacre at Hue" ("Cuộc Thảm Sát tại Huế bởi Việt Cộng") xuất bản năm 1976 (Hình 1; Hình 2; Vennema 1976). Bác sĩ Alje Vennema, từng là một cảm tình viên cho phong trào phản chiến, là nhân chứng đáng tin cậy nhất về vụ thảm sát Mậu Thân vì ông đích thân tham gia trong việc tìm các hầm chôn nạn nhân và khám xét hài cốt nạn nhân để xác định nguyên nhân chết với cặp mắt chính xác của một bác sĩ. 

Alje Vennema (1932 - June 7, 2011) là một bác sĩ y khoa người Hòa Lan - Gia Nã Đại (Wikipedia 2018). Sinh tại Leeuwarden, Hòa Lan, vào năm 1932, ông đến Gia Nã Đại năm 1951 và học Y Khoa tại trường Y Khoa, McGill University, tốt nghiệp năm 1962. Từ năm 1965 tới 1968, ông là giám đốc về hỗ trợ y tế Gia Nã Đại tại Việt Nam. Ông được ban Order of Canada, một danh dự cao quý cấp cho thường dân của Gia Nã Đại, vào năm 1967. Sau đó, ông làm việc tại Tulane University tại New Orleans lúc ban đầu New York City, nơi ông là giám đốc Phòng Y Tế về Bệnh Lao của New York City. Ông qua đời ngày 7 tháng 6 năm 2011. 

Lúc ban đầu khi làm việc ở Việt Nam trong cuộc chiến và chưa biết rõ cộng sản Bắc Việt và Việt cộng hoạt động trong miền Nam, Bác sĩ Vennema là một cảm tình viên cho phong trào phản chiến và tin rằng Mặt trận giải phóng là giải pháp cho cuộc chiến. Ông chỉ trích nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt các phương pháp khủng bố. Nhưng những lời kêu gọi của ông không có hiệu quả (Vennema 1976, Preface). Sau đó, vào đầu năm 1968, ông đến Huế trong một công tác y tế, và chứng kiến thảm kịch tại Huế. Khi trận chiến tại Huế chấm dứt, ông rời Huế và tham gia phong trào phản chiến, và được phỏng vấn về những gì xảy ra tại Huế. Sau đó, ông trở lại Huế nhiều lần, lần này qua lần khác để tìm tòi, truy lùng các mối liên lạc, và thăm viếng các làng và gia đình những người mất người thương yêu. Dần dà, ý nghĩ của ông về cuộc chiến và cộng sản Việt Nam thay đổi. Ông "ý thức được hậu quả thực sự của thảm kịch đã xảy ra và cảm thấy sự thật về Huế nên được biết, để được khắc ghi vào những biên niên lịch sử bên cạnh những địa danh [của các vụ thảm sát tại] Lidice, Putte, và Warsaw." (tlđd.)

Chính D. Gareth Porter, sử gia phản chiến Hoa Kỳ và là kẻ bênh vực cộng sản và có ý kiến trong cuốn phim của bà Lê Phong Lan, công nhận Bác sĩ Vennema là nhân chứng. Porter, tuy nhiên, dùng những báo cáo tương phản với những báo cáo của Bác sĩ Vennema. 

Hình 1: Bìa cuốn sách "The Vietcong Massacre at Hue" của tác giả Alje Venneme.

Hình 2: Trang bìa trong và mục lục cuốn sách "The Vietcong Massacre at Hue"

Trong sách ông, bác sĩ Vennema mô tả rất chi tiết các hầm chôn, số nạn nhân, cách thức họ chết. Ngoại trừ một số ít có thể chết vì súng đạn, đa số bị chết vì hành quyết, tay trói ngược ra sau, giẻ nhét vào miệng. Bác sĩ Vennema tự hỏi, "Phải chăng người Mặt Trận [Giải Phóng] và đám đỡ đầu ở Hà Nội nghĩ rằng họ có quyền giết, như thể bất cứ ai cũng có quyền giết người?" (Hình 3; Vennema 1976, 183). "Bất cứ họ muốn đạt được chuyện gì, thảm kịch Huế sẽ mãi mãi là bản cáo trạng hành vi họ" (tlđd.). Bác sĩ Vennema nhấn mạnh là không có lẫn lộn trong việc giết người. "Các cuộc giết người không phải do bởi nóng giận, hoảng hốt, hoặc trước khi rút lui; chúng được cân nhắc kỹ lưỡng trước đó. Đa số nạn nhân là những người được đánh dấu có tên trên danh sách những người bị tiêu diệt, còn những người khác là vì họ có dính líu với quân đội hoặc chính quyền Sài gòn" (tlđd., 184).

Hình 3: Cảm tưởng Bác Sĩ Vennema về cuộc thảm sát tại Huế 
(Vennema 1976, 183-184)

Ngoài cuốn sách của Bác sĩ Vennema, có hàng trăm nhân chứng và tài liệu cho thấy cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968 là một cuộc giết người tập thể dã man của cộng sản Việt Nam theo chính sách cộng sản Bắc Việt. Chi tiết về những hầm chôn nạn nhân và nguồn các tài liệu này được ghi chép tỉ mỉ (Xem, thí dụ như Vennema 1976; Cao-Đắc 2014a). 

Bác sĩ Vennema từ trần năm 2011 tại British Columbia, Gia Nã Đại. Nếu quả thật Lê Phong Lan là người muốn tìm hiểu sự thật "trong suốt 10 năm" thì bà ta nên phỏng vấn ông lúc ông còn sống, hoặc ít nhất bà ta lẽ ra tham khảo cuốn sách ông. Lê Phong Lan tuyên bố, "Có người hỏi tôi làm phim tài liệu lịch sử có công bằng không, tôi xin trả lời, tôi phải công bằng vì đó là nghề nghiệp, là thanh danh của tôi” (Lê Tâm 2013). Lê Phong Lan quả thật đã cho một định nghĩa mới cho "công bằng" hoặc bà ta đã coi thường chính thanh danh mình, nếu bà ta có thanh danh.

B. Những hố chôn người tập thể tại Huế:

Tôi đã viết về những hố chôn người tập thể là phần tài liệu lịch sử trong truyện ngắn "Tiếng Khóc Vùi Chôn" ("Buried Cries") (Cao-Đắc 2015a; Cao-Đắc 2015b). Sau đây là những ý chính phần tài liệu đó và vài chi tiết cập nhật về những hố chôn người.

Vụ thảm sát Huế được biết và ghi nhận nhiều (Chính 1998, 134-137; Willbanks 2007, 99-103; Vennema 1976; Robbins 2010, 196-208; Oberdorfer 2001, 198-235; Pike 1970, 26-31). Tuy nhiên, mặc cho sự quy mô và tàn bạo của nó, vụ thảm sát Huế hầu như không được báo cáo ở Hoa Kỳ vào lúc đó và bây giờ gần như bị quên lãng (Braestrup 1994, 215; Robbins 2010, 196).

Mặc dù chứng cớ đầy rẫy cho một vụ thảm sát hơn hai ngàn nạn nhân, một vài học giả Hoa Kỳ cãi là không có một cuộc tàn sát thực sự. D. Gareth Porter, cùng với đồng nghiệp ông ta, đăng một loạt các bài báo (Porter 1974; Herman và Porter 1975) cáo buộc các cơ quan Nam Việt Nam và Hoa Kỳ bịa đặt bằng chứng trong báo cáo số người chết trong vụ thảm sát ở Huế năm 1968. Như được trình bày ở trên, Herman và Porter là hai học giả Hoa Kỳ phản chiến mả Lê Phong Lan trích dẫn trong cuốn phim "Mậu Thân 1968" để hỗ trợ việc chối bỏ tội ác và vu cáo nạn nhân chết do bom đạn Hoa Kỳ và VNCH.

Herman và Porter (1975) bác bỏ báo cáo của Douglas Pike về số dân bị giết bởi Cộng sản và kết luận rằng chữ 'thảm sát' dùng cho sự giết dân Huế của Cộng sản chỉ là một mưu đồ tuyên truyền lừa đảo (tlđd., 4). Herman và Porter (tlđd.) đồng ý rằng cộng sản có giết một số thường dân trong lúc họ chiếm đóng Huế, nhưng bày tỏ rằng không có bằng chứng cho thấy họ hành quyết số lớn. 

Oái oăm thay, một nguồn chính yếu mà Herman và Porter dựa vào để thiết lập lý thuyết họ là báo cáo của bác sĩ Alje Vennema, một bác sĩ Tây phương duy nhất đã xem xét các ngôi mộ, người, theo Herman và Porter, thấy rằng số nạn nhân trong các chỗ chôn cất bị Mỹ ở Sài Gòn thổi phồng hơn bảy lần, tổng cộng chỉ có 68 thay vì tuyên bố chính thức là 477 (tlđd., 2). Herman và Porter xác định thêm rằng theo Vennema, đa số xác chết mặc quân phục và những vết thương cho thấy rằng họ là nạn nhân của cuộc chiến (tlđd.). Porter dựa vào Vennema để kết luận rằng chính phủ miền Nam Việt Nam đã thổi phồng số các vụ hành quyết thực sự. Theo Porter, Vennema "bất chợt ở bệnh viện tỉnh Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết và là người điều tra riêng về các hầm chôn" (Porter 1974, 3).

Tuy nhiên, những gì Herman và Porter báo cáo hoàn toàn mâu thuẫn với những chi tiết Vennema cung cấp. Bác sĩ Alje Vennema trình bày phiên bản riêng của ông về vụ thảm sát trong sách ông, The Vietcong Massacre at Hue, xuất bản năm 1976, một năm sau bài của Herman và Porter. Trong sách ông, Vennema ghi chi tiết về vụ thảm sát. Báo cáo của ông bao gồm chứng kiến của chính ông về các mộ và các cuộc phỏng vấn các nhân chứng và những người sống sót khác. Vì Porter và Harman coi Bác Sĩ Vennema là nhân chứng đáng tin cậy, sự tương phản đó cho thấy Porter và đồng bọn chính là những kẻ nói láo trắng trợn. 

Do đó, sách của Vennema tượng trưng cho các báo cáo đáng tin cậy nhất về những gì đã xảy ra tại Huế. Chúng ta hãy nghe những gì Vennema thực sự nói về vụ thảm sát.

Một cách vắn tắt, Vennema khẳng định quân cộng sản tàn nhẫn giết và chôn sống hàng ngàn người dân vô tội, kể cả phụ nữ và trẻ em, tại Huế. Ông tỉ mỉ liệt kê 19 địa điểm của những hố chôn tập thể quanh Huế, với tổng số 2.307 tử thi. Nên nhấn mạnh rằng con số 2.307 xác người chỉ là số thi thể phát hiện khi các hầm chôn này được phát giác. Còn hàng trăm, hàng ngàn xác người khác không được phát giác và có lẽ vĩnh viễn biến mất và tiêu hủy với thời gian.

Hình 4 (Vennema 1976, 126) cho thấy bản đồ các vị trí hầm chôn tập thể do Vennema phác họa trong sách ông. 

Hình 4: Vị trí các nơi có hố chôn tập thể (Vennema 1976, 126)

Hình 5 là bảng tóm tắt do tôi ghi lại dựa vào sách của Vennema (1976, 129-141), liệt kê 19 địa điểm của các hố chôn. Có vài địa danh không được rõ ràng vì Vennema không quen thuộc với tiếng Việt, nhưng dựa vào những mô tả, chúng ta có thể suy ra các địa danh này.

Hình 5: Bảng tổng kết 19 địa điểm các hố chôn và số thi thể

Về các hầm chôn phát hiện và số lượng xác người, Vennema báo cáo những địa điểm sau đây:

1) Địa điểm số 1 (Hình 6): Trường trung học Gia Hội (Vennema 1976, 129). Tổng số hầm chôn: 14 và thêm một số lượng hầm chôn không rõ. Tổng số xác chết: 203, gồm cả nam giới (trẻ và già) và phụ nữ. Trong số người chết là một phụ nữ 26 tuổi "với chân và tay bị trói, một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người "không có vết thương rõ ràng"; một cảnh sát 42 tuổi người đã bị chôn sống; một phụ nữ báo rao đường 48 tuổi, "cánh tay bà bị trói và một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người không có vết thương trên cơ thể, có thể là đã bị chôn sống.

2) Địa điểm số 2 (Hình 6): Chùa Theravada, được gọi là Tăng Quang Tự (tlđd., 131-132). 12 rãnh có 43 xác. Trong số người chết là một thợ may, tay trói và bị bắn xuyên qua đầu, một số người bị trói tay sau lưng bằng dây thép gai, và một số có miệng nhồi với giẻ rách. "Tất cả những người chết là nạn nhân bị trả thù và báo oán" (tlđd., 132).

3) Địa điểm số 3 (Hình 6): Bãi Dâu (tlđd., 131). 3 rãnh với 26 xác.

Hình 6: Địa điểm số 1, 2, và 3 (Vennema 1976,129, 131)

4) Địa điểm số 4 (Hình 7): Đằng sau một chủng viện nhỏ, nơi mà tòa án tổ chức các phiên xử (tlđd., 133): 2 rãnh với 6 xác (3 người Việt Nam làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ, hai người Mỹ làm việc cho USOM, và một giáo viên trường trung học Pháp nhầm lẫn là Mỹ). "Tất cả đều bị trói tay."

5) Địa điểm số 5 (Hình 7): Quận Tả Ngạn (tlđd.). 3 rãnh với 21 thi thể, "tất cả là đàn ông, với hai tay bị trói, và các lỗ đạn trên đầu và cổ."

6) Địa điểm số 6 (Hình 7): Năm dặm về phía đông Huế (tlđd.). 1 rãnh với 25 xác, tất cả bị bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng.

7) Địa điểm số 7 (Hình 7): Gần các lăng của hoàng đế Tự Đức và Đồng Khánh (tlđd., 133-135): 20 rãnh với thêm số lượng rãnh nhỏ không rõ. Tổng cộng có 203 xác được phát hiện. Trong số người chết là một linh mục Pháp, Cha Urbain, người đã bị trói hai tay và không có vết thương trên cơ thể, và linh mục khác Pháp, Cha Guy, có một vết thương đạn trên đầu và cổ. Không có xác phụ nữ và trẻ em nào được tìm thấy, cho biết rằng "các nạn nhân bị giết tàn nhẫn và không phải trong hoạt động quân sự."

Hình 7: Địa điểm số 4, 5, 6, và 7 (Vennema 1976,133-134)

8) Địa điểm số 8 (Hình 8): Cầu An Ninh (tlđd., 135). 1 rãnh với 20 xác. Trong số những người chết là Trung sĩ Truong Van Trieu, một lính VNCH, và ông Tran Hy của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ. Cả hai bị trói tay trước khi bị bắn chết.

9) Địa điểm số 9 (Hình 8): Cửa Đông Ba (tlđd., 135). 1 rãnh với 7 xác.

10) Địa điểm số 10 (Hình 8): Trường tiểu học An Ninh Hạ (tlđd., 135). 1 rãnh với 4 xác.

Hình 8: Địa điểm số 8, 9, và 10 (Vennema 1976,135)

11) Địa điểm số 11 (Hình 9): Trường Vân Chí (tlđd., 136). 1 rãnh với 8 xác.

12) Địa điểm số 12 (Hình 9): Chợ Thông, một chợ (tlđd., 136).1 rãnh với 102 xác. "Đa số bị bắn và trói, trong đó có nhiều phụ nữ, nhưng không có trẻ em."

13) Địa điểm số 13 (Hình 9): Trên mặt các ngôi mộ lăng hoàng đế Gia Long (tlđd., 136). Gần 200 xác đã được tìm thấy. Một số người có tay "bị trói sau lưng, và họ bị bắn xuyên qua đầu."

14) Địa điểm số 14 (Hình 9): Nửa đường giữa chùa Tạ Quang và chùa Tu Gy Văn, 2,5 km về phía tây nam của Huế (tlđd., 137). 4 xác người Đức (3 bác sĩ và một người vợ của bác sĩ).

15) Địa điểm số 15 (Hình 9): Đông Gi, 16 km trực tiếp phía đông Huế (tlđd.). 110 xác, tất cả là đàn ông và "hầu hết bị trói tay và giẻ nhét vào miệng."

16) Địa điểm số 16 (Hình 9): Làng Vĩnh Thái, làng Phù Lương, và làng Phú Xuân, khoảng 15 km về phía nam và phía đông nam thành phố (tlđd., 137-138). 3 hầm chôn với hơn 800 xác (gồm có 135 ở Vĩnh Thái, 22 Phù Lương, 230 và sau 357 tại Phú Xuân): Hầu hết là nam giới với một số ít phụ nữ và trẻ em. Trong số người chết là Cha Bửu Đồng và hai chủng sinh.
Hình 9: Địa điểm số 11, 12, 13, 14, 15, và 16 (Vennema 1976,136-137)

17) Địa điểm số 17 (Hình 10): Làng Thượng Hòa, phía Nam lăng vua Gia Long (tlđd., 139). 1 hầm chôn với 11 xác. "Các xác chết cho thấy cùng một loại vết thương ở đầu và cổ, có lẽ gây ra do hành quyết."

18) Địa điểm số 18 (Hình 10): Làng Thủy Thành và Vĩnh Hưng (tlđd.), hơn 70 xác, "đa số là nam giới với một số phụ nữ và trẻ em." "Có vài người chết có lẽ là trong thời gian chiến tranh vì họ có nhiều loại vết thương và thân thể bị cắt; những người khác trưng bày vết thương duy nhất ở đầu và cổ, nạn nhân của hành quyết."

19) Địa điểm số 19 (Hình 10, Hình 11): Khe Đá Mài (tlđd.). 500 sọ. "Trong số rất nhiều những bộ xương có các mảnh quần áo bình thường, không phải vải kaki màu xanh của đồng phục Bắc Việt hoặc Việt Cộng. Tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng."

Hình 10: Địa điểm số 17, 18, và 19 (Khe Đá Mài) (Vennema 1976,139)

Hình 11: Địa điểm 19 (Khe Đá Mài) (Vennema 1976,140-141)

Danh sách trên của các hầm chôn cho thấy tổng cộng 19 hầm chôn và khoảng 2307 xác chết. Hầu hết những xác chết này trưng bày những vết thương do hành quyết gây ra và không phải bởi kết quả của chiến tranh. Nhiều người bị trói tay và giẻ nhét vào miệng. Vào cuối tháng 9 năm 1969, hàng trăm người vẫn còn mất tích (tlđd., 140). Ngoài ra, Vennema lưu ý rằng "Ngoài các hầm chôn tập thể, có những sự giết người tàn nhẫn riêng rẽ" (tlđd., 141).

Porter cố gắng đổ lỗi cho cuộc đánh nhau dữ dội tại một trong những bãi chôn nơi 22 xác được tìm thấy. Theo ông ta, "máy bay Mỹ ném bom xuống làng nhiều lần, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và giết thường dân" và "khoảng 250 binh lính cộng sản đã bị giết" trong trận đánh cả ngày (Porter 1974, 4). Ông ta viết thêm rằng "250 bộ xương được tìm thấy tại Khe Đá Mai (không phải 400 như lời của Pike) cũng bị giết trong trận chiến hoặc bởi B-52 Mỹ thả bom" (tlđd., 5-6). 

Tuy nhiên, Vennema (Hình 11; 1976, 140) xác định với độ chính xác của một bác sĩ rằng con lạch chứa 500 sọ người và "kiểm tra hồ sơ của quân đội Mỹ không tiết lộ bất kỳ hành động quy mô rộng hoặc B-52 thả bom trong khu vực ngoại trừ một trận đánh gần Lộc Sơn, khoảng 10 km cách khu vực này, vào cuối tháng Tư năm 1968." Vennema (tlđd.) nói rằng "Thật vô lý cho việc vác [500] người chết do bom đạn B-52 qua địa hình gồ ghề để chôn ở suối." Ông (tlđd.) tiếp tục khẳng định rằng "tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng" và "các xương khác không bị vỡ nứt thể hiện bằng chứng của gãy xương mà chắc chắn không phải họ chết do bởi kết quả chiến tranh."

Kết luận của Porter rằng "một số lớn xác phát hiện vào năm 1969 thực ra là nạn nhân của lực lượng không quân Mỹ và đánh nhau trên bộ hoành hành ở các thôn chứ không phải là do Việt cộng" (Porter 1974, 6) mâu thuẫn với lời khai của một bác sĩ nhân chứng mà chính Porter dựa vào.

Nhiều nguồn khác cung cấp các ước tính phù hợp với báo cáo của Vennema. Bùi Tín (Bui 2002, 66), một cựu đại tá của quân đội Bắc Việt, xác nhận rằng vụ thảm sát Huế có xảy ra. Theo ông, Đại tá Lê Minh, trưởng khu an ninh cộng sản trong cuộc thảm sát Huế năm 1968, ước tính số người chết là 2.000, nhưng ông nói thêm rằng con số đó có thể thấp. Các ước tính khác báo cáo 2.500 đến 3.500, đa số là thường dân hoặc gia đình các viên chức chính quyền Sài Gòn (Prados 2009, 240; Hammel 2007, 159); 2.800 bao gồm cả viên chức chính phủ, chiến sĩ, giáo viên, linh mục, trí thức và các người phản động khác, và thường dân không may mắn, với một số nạn nhân bị bắn, đập chết, và thiêu sống (Braestrup 1994, 215; Isaacs 1984, 360; Oberdorfer 2001, 232; Pike 1970, 30-31). Woodruff (2005, 244) cho biết tổng số 2.810 xác dần dần được tìm thấy trong những mổ tập thể nông vào giữa những năm 1970. Ngoài ra, 1.946 người vẫn còn mất tích Những con số này có vẻ được lấy từ bài chuyên khảo của Pike (Pike 1970, 30-31). Một tài liệu, tuyên bố là lấy được từ Cộng sản, báo cáo số nạn nhân bao gồm 1.892 nhân viên hành chính, 38 cảnh sát, 790 tên bạo ác, 6 đại úy, 2 trung úy, 20 thiếu úy và nhiều hạ sĩ quan (Woodruff 2005, 244; Willbanks 2007, 101).

Trong khi chắc chắn rằng Hồ chấp thuận, mặc dù có thể chỉ trên hình thức, quyết định khởi động cuộc tổng nổi dậy (Duiker 2000, 557), không rõ là ông ta có đặc biệt thông qua kế hoạch dùng bạo lực cách mạng trên dân Huế. Theo Bùi Tín (Bui 2002, 68), cuộc thảm sát xảy ra vì quân đội Bắc Việt trở thành cuồng loạn, và bị mất hướng - và mất cả nhân tính. Bùi Tín (tlđd., 67) khẳng định rằng không có lệnh từ cấp trên đòi hỏi tiêu diệt cả tù binh hay thường dân. Theo Trương Như Tảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Cộng, Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng sản (Provisional Revolutionary Government - PRG), nói rằng hoàn toàn không có chính sách hay chỉ thị của Mặt trận để thực hiện bất cứ vụ thảm sát nào, nhưng Tảng thể hiện rằng ông không thấy điều giải thích này đặc biệt thỏa đáng (Truong 1986, 154). 

Tuy nhiên cả Bùi Tín lẫn Trương Như Tảng có vẻ không biết đến tòa án nhân dân và những bản án tử hình giao xuống các nạn nhân. Tính chất của việc chuẩn bị cho các vụ thảm sát, gồm chuyện tập hợp dân chúng từ các danh sách đen và sự tổ chức tòa án nhân dân, rõ ràng cho thấy vụ thảm sát là một hoạt động có dự tính với những mục đích chính xác và rõ rệt, ra lệnh từ, và được hỗ trợ bởi, chỉ huy cao cấp của Bộ Chính trị Hà Nội (Robbins 2010, 196; Oberdorfer 2001, 232; Vennema 1976, 183), hoặc ít nhất là Hồ có thể đoán trước và mong muốn (Hubbell 1968, 67). Vennema (1976, 184) lưu ý rằng kích động khủng bố là quan trọng với Đảng cộng sản và các thành viên cộng sản không thể kềm hãm được. Robbins (2010, 208) ghi rằng vụ thảm sát Huế không phải là một hành động tự phát của sự quá đáng mà là một thực hiện tàn nhẫn của chính sách cộng sản Bắc Việt.

Báo cáo về các cuộc tàn sát và sự hiện hữu của tòa án nhân dân được nhiều nhân chứng tường thuật (Robbins 2010, 198; Vennema 1976, 94). Trong một báo cáo, Phan Văn Tuấn, lúc đó 16 tuổi, bị bắt bởi VC và bị ra lệnh đào mồ chôn sống một số nạn nhân. Ông mô tả kinh nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn (Lê Thy 2013; Phan 2008a; Phan 2008b). Khi kể đến đoạn ông bị thúc lưỡi lê bắt lấp hố vào những người ngã xuống hố còn đang sống, ông bật khóc. Ông nói đến những tia nhìn kinh hoàng của các nạn nhân đang quằn quại dưới hố. Trong một báo cáo khác, bà Nguyễn Thị Thái Hòa kể lại chuyện bà chứng kiến Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai của Hoàng Phủ Ngọc Tường, giết tàn nhẫn anh bà (Nguyễn 2012). Bà cũng mô tả vụ Nguyễn thị Đoan Trinh sát hại các nạn nhân vô tội. 

Dựa vào lời tường thuật của ông Phan Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Thái Hòa và các tài liệu lịch sử về trận chiến tại Huế, tôi viết một truyện ngắn song ngữ nhan đề "Tiếng Khóc Vùi Chôn" (Cao-Đắc 2015a), "Buried Cries " (Cao-Đắc 2015b), trong tập truyện ngắn "Fire In The Rain " / "Lửa Cháy Trong Mưa," và vẽ một bức minh họa cho truyện này. Hình 12 là bức minh họa đó, vẽ lại cảnh quân cộng sản ép buộc các thanh thiếu niên lấp đất chôn sống những người dân vô tội theo lới kể của nhân chứng Phan Văn Tuấn (Lê Thy 2013; Phan 2008a; Phan 2008b).

Hình 12: Minh họa cho truyện ngắn "Tiếng Khóc Vùi Chôn."

Theo nhiều nguồn tin, một tòa án ngoài trời được chủ trì bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường tại trường Gia Hội ở Quận II, là một quan tòa để ra án tử hình cho 203 người (Vennema 1976, 94). Một người, Nguyễn Đắc Xuân, cũng tham gia vào việc giết các nạn nhân vô tội. Tường, Phan, Đoan Trinh, và Xuân là thành phần một lực lượng chính trị được tổ chức trong lúc Cộng sản chiếm đóng tạm thời một phần của Huế. Lực lượng chính trị này được gọi là Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình (Chính 1998, 131-132). 

Một số nạn nhân bị bắn tàn nhẫn, đôi khi với tội phạm tầm thường (Vennema 1976, 94). Tòa án tại Gia Hội được biết bởi các cư dân địa phương, những người ẩn núp sau khi ra tòa lần đầu và sau đó sống sót, hoặc trốn thoát (tlđd..). Sau phiên toà này, toàn bộ trường học cuối cùng mang lại 203 thi thể của các thanh niên trẻ, những người đàn ông lớn tuổi, và phụ nữ (tlđd.). Cũng nên lưu ý rằng Gia Hội không phải là nơi duy nhất mà một tòa án được tổ chức. Các cuộc xử tòa ngoài trời khác được thực hiện dưới danh nghĩa nhân dân và cách mạng, nơi mà lời tuyên án và bản án được những người không có quyền hạn pháp luật đưa ra (tlđd., 185). Thông thường, một cán bộ chủ trì làm quan tòa, và cũng là luật sư, công tố viên, bồi thẩm đoàn, và người hành quyết (tlđd.).

Hình 13: Các phiên tòa ngoài trời (Vennema 1976, 94)

C. Kết Luận:

Lê Phong Lan trích lời các học giả phản chiến Hoa Kỳ, gồm có D. Gareth Porter, để hỗ trợ cho sự chối bỏ tội ác thảm sát Mậu Thân trong cuốn phim "Mậu Thân 1968." Trong bài viết phủ nhận cuộc thảm sát Mậu Thân là do cộng sản, Porter dựa vào báo cáo của Bác Sĩ Alje Vennema. Do đó, lời tường thuật của Bác Sĩ Vennema phải được coi là rất có giá trị và chính xác đối với Porter và Lê Phương Lan. Tuy nhiên, Bác Sĩ Vennema tường thuật những sự kiện hoàn toàn trái ngược những gì Porter trình bày. Theo Vennema, quân cộng sản tàn sát dân Huế một cách dã man, giết chết và chôn sống hàng ngàn người trong hàng chục hố chôn tập thể. Vennema mô tả tỉ mỉ vị trí 19 địa điểm các hầm chôn này với ít nhất 2.307 xác người dân.

NCQCS ca ngợi cuộc Tổng tấn công Mậu Thân là một chiến thắng và tổ chức ăn mừng hàng năm mỗi độ Xuân về. Trên thực tế, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thảm bại quân sự bi đát của cộng sản và cho thấy hành vi tàn ác giết dân với những phương pháp dã man nhất trong lịch sử loài người. Người dân Việt Nam cần phải bày tỏ thái độ phản đối sự chối bỏ tội ác này và lên án các cuộc tổ chức ăn mừng cho cái gọi là chiến thắng Mậu Thân 1968, để phục hồi danh dự cho hàng ngàn cái chết tức tưởi của dân Huế và đem lại chính xác cho lịch sử Việt Nam.

Tài Liệu Tham Khảo:

tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.

Braestrup, Peter. 1994. Big Story - How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington. Abridged Edition. Presidio Press, California, U.S.A.

Bùi Tín. 2002. From Enemy to Friend, A North Vietnamese Perspective on the War, Naval Institute Press, Maryland, U.S.A.

Chính Đạo. 1998. Mậu Thân 68: Thắng Hay Bại (Tet Offensive 68: Victory or Defeat). Tái bản có bổ sung (Reprinted with supplements). Văn Hóa, Houston, Texas, U.S.A.

Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh: A Life. Hyperion, New York, U.S.A. 

Herman, Edward and D. Gareth Porter. 1975. The Myth of the Hue Massacre, Ramparts, Vol. 13, No. 8, May-June.

Hubbell, John G. 1968. The Blood-Red Hands of Ho Chi Minh. Reader’s Digest, November 1968, 61-67.

Isaacs, Arnold R. 1984. Without Honor: Defeat in Vietnam & Cambodia, Vintage Books, New York, U.S.A.

Oberdorfer, Don. 2001. Tet! The Turning Point in the Vietnam War, The Johns Hopkins University Press, Maryland, U.S.A.

Pike, Douglas. 1986. PAVN – People’s Army of Vietnam. Da Capo Press, New York, U.S.A.

Prados, John. 2009. Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945-1975, University Press of Kansas, Kansas, U.S.A.

Robbins, James S. 2010. This Time We Win: Revisiting the Tet Offensive, Encounter Books, New York, U.S.A.

Truong Nhu Tang (with David Chanoff and Doan Van Toai). 1986. A Viet Cong Memoir: An Inside Account of the Vietnam War and Its Aftermath, Random House, Inc., New York, U.S.A.

Vennema, Alje. 1976. The Viet Cong Massacre at Hue, Vantage Press, New York, U.S.A., 1976.

NGUỒN INTERNET

Cần lưu ý rằng nguồn Internet có thể không vĩnh viễn. Một blog có thể gỡ bỏ bởi tác giả, một bài báo có thể bị xóa, hoặc một Website có thể bị đóng cửa.

Cao-Đắc Tuấn. 2015a. Tiếng khóc vùi chôn. 10-3-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/tieng-khoc-vui-chon.html (truy cập 3-2-2018).

_________. 2015b. Buried Cries. 10-3-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/buried-cries.html (truy cập 3-2-2018).

_________. 2014a. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. 2-10-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/nhung-lua-ao-lich-su-cua-ho-chi-minh-va.html (truy cập 3-2-2018).

_________. 2014b. Historical frauds by Hồ Chí Minh and the Vietnamese Communist Party. 2-10-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/historical-frauds-by-ho-chi-minh-and.html (truy cập 3-2-2018).

Lê Tâm. 2013. Lần đầu tiên khai mở bí mật về Mậu Thân 1968. 23-1-2013. http://danviet.vn/hau-truong-giai-tri/lan-dau-tien-khai-mo-bi-mat-ve-mau-than-1968-87845.html (truy cập 3-2-2018).

Lê Thy. 2013. Tết Mậu Thân 1968: nhân chứng sống. 9-2-2013. https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/02/09/tet-mau-than-1968-nhan-chung-song/ (truy cập 3-2-2018).

Nguyễn Thị Thái Hòa. 2012. Mậu thân Huế - Câu chuyện của Nguyễn Thị Thái Hòa. 10-1-2012. http://danlambaovn.blogspot.com/2012/01/mau-than-hue-cau-chuyen-cua-nguyen-thi.html (truy cập 3-2-2018).

Phan Văn Tuấn. 2008a. Hue1968_NhanChungSong-1http://www.mediafire.com/file/fvf55xophc7w5nw/Hue1968_NhanChungSong-1.mp3 (truy cập 3-2-2018).

_________. 2008b. Hue1968_NhanChungSong-2. http://www.mediafire.com/file/qxbldbg2n0lj1qp/Hue1968_NhanChungSong-2.mp3 (truy cập 3-2-2018).

Porter, Gareth D. 1974. The 1968 ‘Hue Massacre.’ Indochina Chronicle, No. 33, June 24, 1974, pp 2-13. http://msuweb.montclair.edu/~furrg/Vietnam/porterhueic74.pdf (truy cập 3-2-2018).

Vũ Đông Hà. 2018. Chúng vẫn múa, hát trên những xác người. 2-2-2018. http://danlambaovn.blogspot.com/2018/02/chung-van-mua-hat-tren-nhung-xac-nguoi.html (truy cập 3-2-2018).

Wikipedia. 2018. Alje Vennema. 3-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Alje_Vennema (truy cập 3-2-2018).


Tội ác bí ẩn của Thảm sát Mậu Thân

Nguyễn Hồn Việt (Danlambao) - Nếu ta chú ý rằng: Sau Phong trào đồng Khởi (1959 – 1960) - Cộng sản Miền Nam thiệt hại rất nhiều thì cs Hồ lập tức cho ra đời “MTDTGPMNVN” vào năm 1960!

Sau Mậu thân 1968 – 1969 Trí thức Miền Nam bị giết hại rất nhiều thì cs Hồ lập tức cho ra đời chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam vào năm 1969.

Ở đây có một cái phi logic là:

Lẽ ra khi đang mạnh thì mới thành lập tổ chức này tổ chức kia, tại sao đợi đến khi yếu cs Hồ lại thành lập tổ chức?

Mà khi thành lập xong là lại có ngay một tổ chức với những thành viên là “Nhân sĩ trí thức Miền Nam” ra bưng, mà lại toàn là Nhân sĩ trí thức có tiếng – hoạt động rất “năng nổ”?

Đây là một sự lạ và phi logic!

Tội ác bí ẩn đằng sau Thảm sát Mậu Thân là gì?

***

Chúng ta đã viết khá nhiều về Thảm sát Mậu Thân, tuy rằng với tội ác ngút trời đó của csvn thì dù viết nhiều nhưng chưa bao giờ là đủ! Tuy nhiên, các bài viết của chúng ta mới dừng lại ở chỗ: Nói lên tội ác ngút trời của csvn đã gây ra cho quân và dân Miền Nam. Chưa có một bài báo nào đặt câu hỏi: Tại sao Thảm sát Mậu Thân?

Tại sao Thảm sát Mậu Thân?

Nếu ta chú ý rằng: Sau Phong trào đồng Khởi (1959 – 1960) - Cộng sản Miền Nam thiệt hại rất nhiều thì Hồ lập tức cho ra đời “MTDTGPMNVN” vào năm 1960!

Sau Mậu thân 1968 – 1969 Trí thức Miền Nam bị giết hại rất nhiều thì Hồ lập tức cho ra đời chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam vào năm 1969.

Ở đây có một cái phi logic là:

Lẽ ra khi đang mạnh thì mới thành lập tổ chức này tổ chức kia, tại sao đợi đến khi yếu Hồ lại thành lập tổ chức?

Mà khi thành lập xong là lại có ngay một tổ chức với những thành viên là “Nhân sĩ trí thức Miền Nam” ra bưng, mà lại toàn là Nhân sĩ trí thức có tiếng – hoạt động rất “năng nổ”?

Đây là một sự lạ và phi logic!

Đây là một bí ẩn Lịch sử cần được giải mã.

Bạn đọc có thấy ở đây có vấn đề không?

Nếu chúng ta nghiên cứu tỷ mỉ, kỹ càng sẽ xuất hiện một Sự Thật!

Rất mong được mọi người cùng thảo luận.

Tôi đưa ra một giả thuyết rằng: Nếu Hồ là anh ba tàu thì Hồ có sử dụng được Cộng Sản Nguyễn Ái Quốc không? Rõ ràng là không!

Nếu Hồ là anh ba tàu thì Hồ có sử dụng được các trí thức có tiếng ở Miền Nam không? Rõ ràng là không!

Nhưng bí ẩn ở đây là: Tại sao Hồ lại sử dụng được Cộng Sản Nguyễn Ái Quốc? Tại sao Hồ lại sử dụng được các trí thức có tiếng ở Miền Nam?

Bí ẩn ở đây là gì?

Rõ ràng là: Hồ đã giết chết họ rồi cho quỷ giả dạng!

Nếu chỉ nhìn ở Tết Mậu Thân – 1968, chúng ta sẽ có thể chưa yên tâm về nhận định trên, nhưng nếu nhìn nhận thời điểm ra đời của “MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM” ta sẽ thấy nhận định trên là chính xác! Kìa, “MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM” cũng được ra đời sau Đồng Khởi 1959 - 1960! “Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20-12-1960) nhằm…” (2), “Ngày 22/12/1960 Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập, số lượng thành viên thậm chí được nhân đôi mỗi năm. Đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam cũng được thành lập…” (3). 

I. Nghịch lý lớn thứ nhất: “triệt tiêu Việt Cộng” liền ra đời “Liên Minh…”.

1. Triệt tiêu Việt Cộng Miền Nam. 

Ở Tết Mậu Thân – 1968, tổn thất của Cộng sản Hồ là khá rõ ràng:

Cuộc tấn công đã triệt tiêu Việt Cộng như một lực lượng chiến đấu.

"…Cuộc tấn công là một thảm họa về mặt quân sự, với việc Cộng sản thiệt hại hơn một nửa lực lượng trung thành ở miền Nam và có lẽ là một phần tư lực lượng chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Bắc. “Cuộc tấn công đã triệt tiêu Việt Cộng như một lực lượng chiến đấu”, Phạm Xuân Ẩn nói. “Sau đó Mỹ triển khai Chương trình Phượng hoàng, tỏ ra cực kỳ hữu hiệu trong việc thủ tiêu hàng nghìn đảng viên cộng sản Việt Nam và vô hiệu hóa phong trào đối lập ở miền Nam.” Khi cuộc chiến kéo dài thêm bảy năm sau đó, sức chiến đấu chủ yếu trong các trận đánh sẽ ngày càng dồn nhiều vào lực lượng chủ lực từ miền Bắc." (Điệp viên yêu chúng ta, Thomas A. Bass, trang 196)

Thiệt hại mất 45.000 chiến sĩ, gấp mười lần phía bên kia.

"Nhiều mục tiêu tấn công chỉ bị chiếm giữ trong một thời gian ngắn, có khi chỉ vừa kịp đủ thời gian cần thiết để chụp vội một bức ảnh Đại sứ quán Mỹ hoặc một căn cứ không quân của Mỹ bị tấn công. Ngay cả Tư Cang, trong báo cáo đầu tiên của ông gửi về Trung ương Cục miền Nam, cũng hiểu sai vấn đề. Ông rất đau đớn vì thi thể những đồng chí ngã xuống của mình, với việc cộng sản thiệt hại mất 45.000 chiến sĩ, gấp mười lần phía bên kia." (Điệp viên yêu chúng ta, Thomas A. Bass, trang 205)

Việt Cộng mất một thế hệ quân kháng chiến!

“…Rạng sáng 31 tháng 1, khoảng gần tám mươi ngàn lính chính quy và du kích quân Bắc Việt tấn công vào hơn một trăm thành phố khắp miền Nam Việt Nam. Chiến dịch Tết Mậu Thân bao gồm các đợt tiến công vào ba mươi lăm trên tổng số bốn mươi tư tỉnh lỵ, ba mươi sáu huyện lỵ và nhiều làng ấp. Vài tuần trước cuộc tổng tấn công, lực lượng Cộng sản với trang phục dân sự đã được chuyển vào Sài Gòn để chuẩn bị cho một chiến dịch kinh khiếp được lên kế hoạch kỹ lưỡng.

…Nhận được chỉ đạo chung là “Tiến lên phía trước để giành thắng lợi cuối cùng,” nhưng Cộng quân đã chịu thương vong lớn trong dịp Tết Mậu Thân, mà ông Trần Văn Trà đã phải nhận trách nhiệm. “Điểm yếu và thiếu sót của chúng ta là ở chỗ chúng ta không có khả năng tiêu diệt được nhiều lực lượng và các lãnh đạo chóp bu của đối phương,” ông Trà viết. “Chiến dịch đã không đủ hiệu quả để làm đòn bẩy kích thích cuộc nổi dậy của nhân dân. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của chúng ta đã làm chấn động các huyệt đạo quan trọng của địch, làm mất ổn định các cơ sở kinh tế, chính trị và quân sự của địch trên toàn miền Nam” (51). Việt Cộng mất hơn một nửa lực lượng tham chiến, tương đương với một phần tư quân thường trực; phải mất nhiều năm mới khôi phục được. Don Oberdorfer giải thích, “Việt Cộng mất một thế hệ quân kháng chiến, và sau Tết Mậu Thân, người ta phải gửi thêm rất nhiều người từ Bắc Việt vào để trám chỗ trống.” (Điệp viên hoàn hảo kỳ 30: Sự kiện tết Mậu Thân)

Ta thấy: "Cuộc tấn công là một thảm họa về mặt quân sự" và "sức chiến đấu chủ yếu trong các trận đánh sẽ ngày càng dồn nhiều vào lực lượng chủ lực từ miền Bắc" và “Việt Cộng mất một thế hệ quân kháng chiến, và sau Tết Mậu Thân, người ta phải gửi thêm rất nhiều người từ Bắc Việt vào để trám chỗ trống.” Vậy mà, ngay sau đó thì “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam là một tổ chức được thành lập sau sự kiện Tết Mậu Thân vào ngày 20 tháng 4 năm 1968” đây là một nghịch lý lớn! Rõ ràng là, một tổ chức chỉ được ra đời khi có các điều kiện thuận lợi, nhưng ở đây “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam” lại được ra đời trong một hoàn cảnh cs miền Nam hết sức là khó khăn!

2. Sau thiệt hại lơn - Ra đời “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ.” 

Để có “Tổ chức “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam” tập hợp "đại diện các nhân sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, người tu hành, sinh viên, tư sản dân tộc, sĩ quan và công chức tiến bộ trong quân đội và chính quyền miền Nam” (1) thì bọn quỷ phải làm gì?

Bọn chúng phải… thảm sát!

Để có thành phần của liên minh: “do Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo, Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch. Tổng thư ký Tôn Thất Dương Kỵ, Phó Tổng thư ký Dương Quỳnh HoaHoàng Trọng QuỳLê Hiếu Đằng, ủy viên thường vụ: Nguyễn Văn KiếtHuỳnh Văn NghịTrần Triệu Luật, ngoài ra ban lãnh đạo có Nguyễn Văn KỵLê Văn HảoNguyễn Đình Chi.” (1). Thì chúng đã giết chết chính những người trên và rất nhiều thân nhân của họ, rồi cho quỷ đóng giả những người đó! (trừ 1 số ít thanh niên có ảo vọng về CNCS thực như Lê Hiếu Đằng…)

Đó là “mục đích” của tàn sát mậu thân 1968!

Trước hết chúng ta hãy nghiên cứu về “Hòa thượng Thích Đôn Hậu”:

1. Trước biến cố mậu thân 1968 = Một hòa thượng hiền lành. 

2. Trong biến cố mậu thân 1968 – Hòa thượng bị bắt ép mà ra chiến khu của Cộng sản Hồ.

3. Sau biến cố mậu thân 1968 = Một hòa thượng sát nhân. 

Tại sao lại như vậy? Cs HCM giỏi thế sao? Chúng đã biến một Hòa Thượng hiền lành luôn giành hết thời gian lo việc Phật thoắt mội cái biến thành “Ác tăng sát nhân giết chết VNCH” (4)?

Không, không thể như vậy được! 

Đâu là sự thực?

Sự thực là chúng đã giết chết Hòa Thượng, giết chết rất nhiều người thực ở cái gọi là thành phần của liên minh ở trên cùng rất nhiều người thân thiết của họ để ghi tên họ lên cái gọi là thành phần của liên minh ở trên cho ra đời chính phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam vào năm 1969 còn con người sống mang tên đó là một con quỷ không hơn!

Chúng ta đi nghiên cứu chi tiết:

II. Bí ẩn “Hòa thượng Thích Đôn Hậu”.

1. Trước biến cố mậu thân 1968 = Một hòa thượng hiền lành. 

Bằng chứng sau đây đã chứng minh điều đó:

“Năm 1968, ngài đứng lên vận động Chư Tôn Đức như Hòa Thượng Thích Mật Hiển, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu, và cố Hòa Thượng Thích Mật Nguyên thành lập lớp chuyên khoa Phật Học 4 năm tại chùa Linh Quang, Huế, và chính ngài dạy Luật cho lớp chuyên khoa này.” (5)

2. Trong biến cố mậu thân 1968 – Hòa thượng bị bắt ép mà ra chiến khu của Cộng sản Hồ.

Những bằng chứng sau đây đã chứng minh điều đó:

“Năm 1968, ngài đứng lên vận động... Cũng trong năm này, ngài bị Cộng sản bắt tại Tổ Đình Linh Mụ, Huế vào lúc 01 giờ khuya ngày 20 tháng Giêng năm Mậu Thân (17-2-1968) trong khi ngài đang bị bệnh xuất huyết dạ dày một cách trầm trọng. ” (5)

“Khi được biết chúng tôi là đệ tử của Ôn Đôn Hậu, thầy thăm hỏi gia đình, công ăn việc làm bên ấy và hỏi thăm về một số người mà hòa thượng đã quen biết như anh TQT, anh BNĐ..., thầy nhắc nhiều chuyện xưa, kể cho chúng tôi nghe những biến cố trọng đại của chùa, ngày Ôn lên đường ra Bắc, ngày Ôn trở lại chùa sau năm 1975 cũng như tiến trình tu bổ chùa và tình hình Phật giáo ở trong nước. Khi được hỏi về việc Ôn lên đường ra Bắc, thầy kể cho chúng tôi nghe mọi điều thầy thấy và nghe. Cũng vào một ngày đầu Xuân, cách nay đúng bốn mươi hai năm, tức là chỉ một năm sau khi chúng tôi quy y với Ôn. Thầy thong thả kể:

“Vào khoảng giữa đêm Mồng một Tết Mậu Thân năm 1968, có một nhóm người lạ, mặc quân phục và mặc thường phục đến thăm Ôn. Ôn đang bị bệnh nặng, bệnh đau dạ dày và thường hay lên cơn suyễn. Thầy (Thích Trí Tựu) ngồi ở phía xa. Thầy Trí Lưu, thân phụ của thầy Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), lúc đó là Tri Sự chùa Linh Mụ, ngồi cạnh Ôn. Họ trịnh trọng mời Ôn về thành phố (Huế) họp. Ôn từ chối nói đau lắm không đi được. Họ khẩn khoản mời và nói có người đưa Ôn đi. Sau đó người ta khênh Ôn đặt trên một chiếc võng, có hai anh lính bộ đội gánh đi từ chùa Linh Mụ, không đi về hướng thành phố Huế mà rẽ về Chợ Thông thuộc làng An Ninh Hạ, đến La Chữ. Sau này gặp lại Ôn vào năm 1975, Ôn kể “ban ngày ngủ, ban đêm đi, khoảng một tháng mới đến Seopon, vùng biên giới Lào, có khi nghe tiếng máy bay trực thăng bay trên đầu. Trên đường đi, thiếu lương thực, bị quân đội Mỹ pháo kích, có nhiều người bị chết vì đói và sốt rét rừng. Họ đi theo đường mòn Hồ Chí Minh đến Nghệ An rồi từ Nghệ An ra Hà Nội bằng xe auto con. Mất hết bốn tháng mới đến Hà Nội.”

Đó là nguyên văn lời thầy Trí Tựu kể về cái đêm hôm ấy. Sự kiện này cũng được khẳng định bởi Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Hảo, nguyên là giáo sư Đại Học Văn Khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên Huế giai đoạn Tết Mậu Thân. Gs. Hảo cho biết trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh RFA ngày 2-2-2008, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, Gs. được các nhà lãnh đạo Mặt Trận (DTGPMN) mời đi họp trước khi họ tấn công Huế….” (6)

Câu chuyện trên, ngoài việc “tam sao thất bản”, thì nó còn được kể bởi những người còn sống sau 1975, mà những người được chứng kiến cụ thể sự việc “Vào khoảng giữa đêm Mồng một Tết Mậu Thân năm 1968” thì đã bị giết ngay trong thời gian đó cùng với Hòa Thượng Thích Đôn Hậu! Nên sự sát thực của câu chuyện này là khá ít!

Nhưng một sự thực chúng ta có thể biết được chính xác là “Trong biến cố mậu thân 1968 – Hòa thượng bị bắt ép mà ra chiến khu của Cộng sản Hồ.” Quả thực như vậy bởi trước đó Hòa Thượng đâu có thân Cộng Sản! Là một Hòa Thượng, một trí thức thì Hòa Thượng không lạ gì chính sách tiêu diệt tôn giáo của Cộng sản Hồ từ 1945 – 1968! Như vậy, lý do để Hòa Thượng tự giác đi ra với CS Hồ là hoàn toàn không có cơ sở!

3. Sau biến cố mậu thân 1968 = Một hòa thượng sát nhân. 

Đây là nhận định của bài “CXN_052515_8902_ THÍCH TRÍ QUANG – THÍCH MINH CHÂU THÍCH ĐÔN HẬU – THÍCH THIỆN SIÊU (monks): Ác tăng sát nhân giết chết VNCH” (5) - Đăng trên trang web kinhtevimo.org. Bài trên có một số dữ kiện sai lầm, như: “Tháng 1 Mậu Thân 1968, Thích Đôn Hậu là Phó Chủ Tịch Liên Minh Các Lực Lượng Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam. Đây là một lực lượng chính trị thứ 2 vừa được Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam và Hồ Chí Minh thành lập trước Tết Mậu Thân 1968 chỉ có mấy ngày. Lực Lượng Chính trị thứ nhất là Mặt Trận Giải Phong Miền Nam.” (4) Kỳ thực thì “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam là một tổ chức được thành lập sau sự kiện Tết Mậu Thân vào ngày 20 tháng 4 năm 1968” (1). Như vậy nhận định: “Liên Minh các Lực Lượng Dân Chủ và Hòa Bình Việt Nam là lực lượng chủ lực chính trong vụ tàn sát 5327 thường dân vô tội và bắt đi mất tích 1200 người trong những ngày Tết Mậu Thân tại Huế.” (4) là không chính xác.

Tuy nhiên dữ liệu sau đây là chính xác: “Thích Đôn Hậu khi đi Mông Cổ tuyên truyền chống VNCH năm 1969, Việt Cộng Tôn Thất Dương Tiềm (phía sau) tháp tùng vietbao.vn)” (4) (Ảnh kèm theo). (Chính xác vì đã là phái đoàn ngoại giao thì ngày giờ đều được ghi chép từ cả 2 bên.)

Như vậy, tuy chưa hẳn là “một hòa thượng sát nhân” nhưng rõ ràng Hòa Thượng đã rất vui vẻ “tuyên truyền chống VNCH năm 1969” ngay sau vụ Thảm sát ghê người của cộng sản Hồ - mà hơn ai hết Hòa Thượng là người được chứng kiến!

Các cụ tiền bối người Việt nhà ta có câu: “Tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”! Điều gì để biến đổi từ “một hòa thượng hiền lành” suốt ngày lo việc Phật sang một Hòa Thượng vui vẻ “tuyên truyền chống VNCH năm 1969” – tức là vui vẻ làm việc cho cộng sản Hồ - mà hơn ai hết Hòa Thượng là người được chứng kiến cộng sản Hồ vừa thảm sát Nhân Dân Huế mà ngài đang rất mực yêu thương? (Trong hoàn cảnh mà: Hòa thượng bị bắt ép mà ra chiến khu của Cộng sản Hồ.) Nếu chúng ta tin có một Hòa Thượng như vậy thì không khác nào chúng ta đã phỉ báng vào Lương Tâm của chính chúng ta – của một loài động vật bậc cao - Con Người! Chỉ có thể hiểu: Chúng đã giết Hòa Thượng ngay năm 1968 để thay thế bằng một con quỷ mang tên Hòa Thượng đi du thuyết thế giới năm 1969!

Chúng ta có đặt câu hỏi: (Nghịch lý lớn thứ hai) Tại sao một xứ Huế mộng mơ, một Miền Nam – hòn ngọc của Viễn Đông với những giá trị thật của một nền Dân Chủ - tuy còn là sơ khai, trải qua một cuộc tắm máu kinh hoàng, nhơ nhớp cho tới tận ngày nay và cả mãi về sau, đùng một cái lại xuất hiện những “Luật sư Trịnh Đình Thảo lãnh đạo, Hòa thượng Thích Đôn Hậu và Kỹ sư Lâm Văn Tết đồng Phó Chủ tịch. Tổng thư ký Tôn Thất Dương Kỵ, Phó Tổng thư ký Dương Quỳnh HoaHoàng Trọng QuỳLê Hiếu Đằng, ủy viên thường vụ: Nguyễn Văn KiếtHuỳnh Văn NghịTrần Triệu Luật, ngoài ra ban lãnh đạo có Nguyễn Văn KỵLê Văn HảoNguyễn Đình Chi” lại là những cán bộ chủ chốt của cái gọi là: “Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam”? Riêng tôi không tin đó là những con người thực của một xứ Huế mộng mơ, một Miền Nam – hòn ngọc của Viễn Đông!

Bạn đọc có thể đặt câu hỏi: Nếu quả thực chúng đã giết Hòa Thượng Thích Đôn Hậu ngay năm 1968 để thay thế bằng một con quỷ mang tên Hòa Thượng đi du thuyết thế giới năm 1969, thì tại sao sau 1975 Hòa Thượng về Huế mà không ai nhận ra là một kẻ không phải Hòa Thượng?

Xin thưa rằng: Sau 1975, những ai còn được gặp kẻ tự nhận là Hòa Thượng Thích Đôn Hậu kia? 
Kìa, sau cuộc tắm máu kinh hoàng, nhơ nhớp đó, sau biến cố 30/4/1975 những ai là bạn bè thân hữu của Hòa Thượng còn được tự do đi gặp “Ngài”?


Kìa, người bạn cùng quê, cùng làm Hòa Thượng với ngài đã bị giết thảm thương: “Nguyễn Lý Tưởng …

…4. Linh Mục Lê Văn Hộ bị bắt, bị chôn sống

Lúc bấy giờ Việt Cộng đã chiếm được toàn làng… Chúng gặp Linh Mục Lê Văn Hộ và hỏi:

Anh làm gì ở đây?

Tôi là Linh Mục ở nhà thờ này.

….Chúng bắt Cha cởi bỏ áo nhà tu và chỉ còn bộ đồ bà ba ở bên trong. Chúng dẫn người đi và sau đó chúng đưa người đến sân nhà tôi…

…Ngày 31 Tháng Năm năm 1969, nhờ đồng bào địa phương mách bảo, bà con đã tìm được xác của Linh Mục Giuse Lê Văn Hộ tại vùng biển Chợ Cạn, thuộc quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, vùng Việt Cộng chiếm đóng trong Tết Mậu Thân... Nam Cali, ngày 8 Tháng Giêng, 1998. ” (7).

Còn những ai là bạn bè thân hữu của ngài nữa? Họ hàng, anh em ruột của Ngài ra sao? (tôi không có nhiều thông tin, mong độc giả viết tiếp). 

Kìa, nhân dân Huế bị tàn sát!

(Đón đọc kỳ sau: Những thành viên cốt cán của “Liên Minh…” cũng không phải là người thực!)

Ai đã bắn nát chân Tướng Nguyễn Ngọc Loan?

Sát thủ thi hành bản án tử hình tướng Loan là một
hạ sĩ quan TQLC Hoa kỳ làm việc cho CIA Sài Gòn.
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Nguyễn Du
Cho đến nay các sử gia đều tin rằng tấm hình nổi tiếng một thời của Eddie Adams đã kết liễu cuộc đời binh nghiệp của tướng Nguyễn Ngọc Loan. Không sai, nhưng chỉ đúng một nửa. Chính nhiếp ảnh gia đoạt giải Pulitzer của AP này đã viết trong tuần báo TIME (1): “Ông tướng giết thằng Việt Cộng; tôi giết ông tướng bằng máy chụp hình của tôi”. Đó là tấm hình chụp tướng Loan thản nhiên hành quyết một tù binh cộng sản bị còng tay sau lưng, mặt mếu máo. Một hành vi sát nhân ghê tởm gây chấn động toàn thế giới. Mặc dù sau đó Adams đã thú nhận: “Người ta tin vào hình ảnh, nhưng hình ảnh cũng nói dối, cho dù không có sửa đổi gì. Chúng chỉ là những nửa sự thật”. Dẫu vậy nhưng nó cũng đã đánh dấu khúc ngoặt quan trọng của cuộc chiến: Dư luận phản chiến nở rộ tại Hoa kỳ đã khiến Tổng thống Johnson mất niềm tin vào một chiến thắng quân sự tại miền Nam Việt Nam. Và cuộc thương thảo với Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam (MTGPMN) đã diễn ra sau đó dưới triều đại Nixon như giải pháp duy nhất đem lại hòa bình.
Đằng sau tất cả những sự kiện lịch sử ấy là chuyển động âm thầm nhưng có ảnh hưởng quyết định của tình báo chiến lược. Cơ quan CIA (Tình Báo Trung Ương) Hoa kỳ và đối tác VNCH ở cấp cao đã phải đối mặt với những tình huống gây ra mâu thuẫn trầm trọng giữa một bên là MACV (Bộ Tư Lệnh Quân Sự Mỹ), CIA, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và bên kia là Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH và Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia khi ấy do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan nắm giữ. Bối cảnh chung là cuộc tấn công bất ngờ của Việt Cộng – khi ấy vẫn được báo chí Mỹ coi là MTGPMN, tách biệt với Cộng Sản Bắc Việt (CSBV), một huyền tích chỉ được giải ảo sau 1975 – trong dịp hưu chiến Tết Mậu Thân (tháng 1, 1968).
tuong-nguyen-ngoc-loan
Nguyễn Ngọc Loan: Ông là Ai?
Tướng Nguyễn Ngọc Loan, hỗn danh Sáu Lèo, sinh năm 1930 tại Huế. Chị cả của ông, bà Bích Hồng, là phu nhân Đại tá Bác sĩ Văn Văn Của, nguyên Đô trưởng thành phố Sài Gòn (1965-68) (2). Ông học trường Trung học Albert Sarraut và đậu Tú tài Toán toàn phần rồi bị động viên Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị (Nam Định). Thiếu úy Loan theo học Trường Sĩ quan Không quân Pháp Salon de Provence năm 1953 rồi thực tập hoa tiêu khu trục phản lực tại căn cứ Meknes, Maroc, trở thành phi công khu trục phản lực đầu tiên của Không lực VNCH. Về nước, ông được bổ nhiệm Phi đoàn trưởng Phi đoàn 2 Quan sát. Được thuộc cấp nể trọng nhưng ông không được các sĩ quan Cố vấn Hoa kỳ ưa thích vì ông hay đả kích lề lối làm việc máy móc của họ.
Năm 1964, ông Loan thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm “Tư lệnh Phó Không Quân VNCH” dưới quyền Tư lệnh, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ. Năm 1965, vinh thăng Chuẩn tướng, ông tham dự chiến dịch không kích Bắc Việt trong khu vực Đồng hới – Vĩ tuyến 17 (Bến Hải).
Những năm kế tiếp, tướng Loan được đề cử đảm nhiệm 3 chức vụ an ninh, tình báo quan yếu của VNCH:
– Đặc ủy trưởng, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo
– Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và
– Cục trưởng Cục An Ninh Quân Đội.
Lòng tận tụy với trách nhiệm nặng nề và tính “bất cần đời” của tướng Loan, coi cái chết “như pha” tạo cho ông một cá tính gồ ghề, bề ngoài tưởng như ngổ ngáo, hãnh tiến, nhưng thật ra ông là con người đầy cảm tính và “cận nhân tình”, được cấp dưới nể trọng và bạn hữu chí tình thương mến. Thỉnh thoảng gặp ông tại Phủ Thủ Tướng (Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương – UBHPTƯ), ông cười nói xuề xòa, moa moa, toa toa, miệng không ngớt chửi thề: đ.. cụ, đ.. cụ.
Tuy nhiên, Định Mệnh dường như đã an bài cho ông một số phận khắc nghiệt. Chỉ nội trong ngày 31 tháng 1 năm 1968, sự nghiệp của ông được kể như chấm dứt vì một quyết định làm cho người Mỹ coi ông là kẻ phản bội. Mặt khác, có thật là bức hình của Eddie Adams chụp cảnh ông xử bắn tên đặc công Lém ở đường Ấn Quang ngày 4 tháng 2, 1968 mới là nguyên nhân chính? Sự thực không phải như vậy.
Hoa kỳ đi đêm với MTGPMN
Kề từ tháng 2 năm 1967, Tòa Đại sứ Hoa kỳ ở Sài Gòn đã có những tiếp xúc sơ bộ với một số cán bộ cấp thấp thuộc MTGPMN. Sau đó,với sự trợ giúp của Tình báo Hải ngoại Pháp (SDECE, Service de Documentation et de Contre-Espionage), cộng đồng tình báo Mỹ ở Việt Nam đã bắt tay được với những nhân vật trọng yếu của Cục R (Trung Ương Cục miền Nam) và MTGPMN như: Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Dương Quỳnh Hoa, Trần Văn Trà, Đồng Văn Cống, Trần Bửu Kiếm và Trần Bạch Đằng, Cục trưởng Cục R (3).
Sau việc hộ tống êm thắm vợ con Trần Bửu Kiếm và Trần Bạch Đằng ra vùng “giải phóng” an toàn, Sứ quán Hoa kỳ móc nối với Nguyễn Thị Bình (qua trung gian LS Đinh Trịnh Chính, Bộ trưởng Chiêu Hồi, Dân Vận VNCH) toan tính thành lập chính phủ “liên hiệp hòa giải dân tộc” với 2 thành phần: MTGPMN và chính quyền VNCH.
Tất cả những tiếp xúc “đi đêm” nói trên đều không lọt qua con mắt của tướng Loan, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Tướng Loan ra lệnh cho S-6 (Cảnh Sát Đặc Biệt) tống giam một số nhân vật MTGPMN khi ấy đang được Sứ quán Hoa kỳ bảo vệ tại các “nhà an toàn” (safe house) ở ven đô Sài Gòn và Tây Ninh. Sứ quán Hoa kỳ gây áp lực với tướng Nguyễn Cao Kỳ, chủ tịch UBHPTƯ, phải thả lập tức các sứ giả MTGPMN và yêu cầu các cơ quan an ninh VNCH không được phép xâm nhập các nhà an toàn và những khu vực dành riêng cho nhân viên ngoại giao Hoa kỳ trên khắp lãnh thổ VNCH.
Mặt khác, Tổng thống Lyndon B. Johnson được Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker bảo đảm rằng Sài Gòn là thủ đô an toàn và Tòa Đại sứ Hoa kỳ ở Saigon là khu vực an ninh 100% không bao giờ bị tấn công vì đây sẽ là địa điểm mật đàm đã được thỏa thuận giữa Hoa kỳ và MTGPMN.
Tòa Đại sứ Hoa kỳ rơi vào tay Đặc Công CSVN
Trong trận mở màn Chiến dịch Tổng Tấn Công – Tổng Khởi Nghĩa của CSVN, một biến cố ít ai biết đến, kể cả báo chí Mỹ, là Tòa ĐS Hoa kỳ đường Thống Nhất đã rơi vào tay Đặc công CS ngay những phút đầu. Đó là hậu quả của việc tướng Loan đã cho rút 2 trung đội Cảnh Sát Dã Chiến bảo vệ bên ngoài TĐS Mỹ về tăng cường cho Dinh Độc Lập.
Diễn tiến: Tổ C-10 gồm 18 tên đặc công CS thuộc Tiểu đoàn Đặc công 276 của Đặc Khu Ủy Sài gòn – Chợ Lớn đã xuất phát lúc 1 giờ đêm 31 tháng 1, 1968 từ tiệm Phở Bình đường Yên Đổ, góc Hai Bà Trưng, trên 1 xe van mầu trắng. Hai giờ sáng, xe dừng trước cửa sau Tòa ĐS đường Mạc Đĩnh Chi lúc đó chỉ có một tiểu đội Quân Cảnh Mỹ giữ an ninh phía trong. Bọn đặc công CS chia làm 6 mũi khai hỏa tấn công. Chúng dùng bộc pha, B-40 và AK-47 báng xếp triệt hạ vọng gác của Cảnh sát QG đặt giữa Lãnh sự và tòa nhà chính. Nhưng vọng gác này đã bỏ trống từ chiều hôm trước cùng lúc với hai trung đội Cảnh Sát Dã Chiến, theo lệnh của tướng Loan.
Hai tên đặc công tấn công vào cửa chính Tòa ĐS, tức thì bị QC Mỹ hạ sát. Sau đó QC Mỹ rút vào trong và dùng radio cầu cứu. Hai tên đặc công khác dùng bộc pha phá thủng một lỗ lớn tường rào góc đường Thống Nhất – Mạc Đĩnh Chi, giúp cho toàn bọn C-10 tràn vào vườn hoa rồi tiến chiếm Lầu 1 và Lầu 2 trong khi QC Mỹ rút lên Lầu 3 cố thủ. Lầu 2 Đại Sứ quán Mỹ là Tổng Hành Dinh Tình Báo Chiến Lược của Hoa kỳ ở Đông Nam Á. Toàn bộ tài liệu mật mã “Tuyệt Mật” của CS Bắc Việt mà Mỹ thủ đắc được từ 1961, gồm hồ sơ chính sách, cương lĩnh, nghị quyết tấn công quân sự miền Nam, cùng các tài liệu khác liên quan đến cuộc chiến, đều được lưu trữ trong các tủ và két sắt Diebolt nặng trên 1 tấn (4). Bốn tên đặc công CS cố thủ Lầu 2 ra sức cậy phá, tháo gỡ 6 ổ khóa của 12 két sắt nhưng vô hiệu.
Mười hai giờ khuya (12 giờ trưa Washington, D.C.), tại trụ sở CIA, Giám Đốc Richard Helms đang khoản đãi ông William Colby, tân Giám đốc CORDS (5) Việt Nam. Giữa tiệc, một thiếu tá tùy viên hối hả xin gặp để trình một công điện Hỏa Tốc từ MACV: “Trụ sở CIA và Sứ quán Hoa kỳ Saigon đã lọt vào tay đặc công MTGPMN từ 1 giờ sáng 31 tháng 1, 1968”. Cùng lúc, Tòa Bạch Ốc cũng nhận được công điện hỏa tốc: “Saigon đang bị 5 tiểu đoàn địa phương MTGPMN tấn công ồ ạt. Tòa ĐS ở trung tâm thủ đô thất thủ. Bộ Tư Lệnh MACV và Bộ TTM/QLVNCH tràn ngập khói súng, chống trả yếu ớt vì bị bất ngờ”.
Giám đốc CIA Richard Helms đọc công điện 3 lần vẫn cả quyết với quan khách: “Đây là những ‘điều giả tưởng’ không thể nào có thể xẩy ra được với Hoa kỳ”.
Sáu giờ sáng, một đại đội xung kích thuộc Sư đoàn Không kỵ 101 được trực thăng vận đổ xuống từ nóc Tòa ĐS, đột nhập Lầu 3 rồi Lầu 2, cận chiến với 12 đặc công CS, tiêu diệt toàn bọn và giải tỏa Tòa ĐS — biểu tượng của sức mạnh Hoa kỳ tại Đông Nam Á.
Lãnh đạo VNCH, đệ I và II Cộng Hòa, biết gì?
Đầu tháng 2, 1975, tôi đến Washington D.C. nhận nhiệm vụ Tùy Viên Lục Quân tại Tòa Đại sứ VNCH, ưu tiên tìm hiểu và báo cáo về quân viện Mỹ cho VNCH lúc đó đang lửng lơ. Một chị bạn nhà tôi, tên Dung, Đệ Nhị Tham Vụ, mời tôi đi ăn lunch. Tò mò, tôi hỏi chị: “Tòa Đại Sứ mình vận động Quốc Hội Hoa Kỳ ra sao?” Chị đáp: “Tôi vẫn bỏ tiền túi mời mấy ông dân biểu đi ăn lunch”. Vậy thôi?
Tôi nghĩ, từ Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu, các nhà lãnh đạo VNCH có thể ví như những người đi buôn không vốn, không hiểu rành rọt về tổ chức và vận hành của chính quyền Hoa Kỳ, cho nên không biết đến hiệu quả của “lobby” và không giám hay không biết “chi” cho nỗ lực này vì không vốn (?). Khoảng cuối thập niên 70 bỗng sì căng đan “Koreagate”, bùng nổ. Điệp viên KCIA (Tình Báo Trung Ương Đại Hàn) Tongsun Park đã tung hàng trăm ngàn đô mua chuộc ảnh hưởng của một số nhà lập pháp Hoa kỳ để chống lại nguy cơ Nixon đòi rút quân khỏi Nam Hàn như đã làm ở Nam Việt Nam khiến VNCH rơi vào tay CSBV. Ở đời ai dại, ai khôn? Thành thử, chúng ta luôn luôn cầm dao đằng lưỡi để cho đối phương tuốt dao máu chẩy thành vòi! Lý do: không nắm được những nguyên lý căn bản về Tình Báo Chiến Lược để sử dụng nó hữu hiệu trong chiến tranh.
Có ai ý thức được rằng Hoa kỳ ào ạt đổ quân vào Việt Nam, thật ra, không phải là để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của VNCH?
Có ai ý thức được rằng, với Hoa kỳ, không có quốc gia nào là bạn lâu dài và cũng chẳng có nước nào là kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có quyền lợi của Hoa kỳ là vĩnh cửu?
Có ai biết rằng: Trong thời gian CSVN làm xiếc đi giây giữa Liên Xô và Trung Cộng, Trung Cộng coi VNCH là bạn và là đối trọng răn đe CS Bắc Việt? Với Trung Cộng, Liên Xô và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt) là hai kẻ thù không đội trời chung? Mặc dầu Mao vẫn chi viện cho Hồ để đoạt hai chiến thắng vang dội: Chiến dịch Biên giới 1950 và Điện Biên Phủ, 1954. Nhưng cũng vì vậy mà Trung Cộng phải dè chừng. Cuộc chiến biên giới 1979 đã chứng minh cho điều này khi Đặng Tiểu Bình muốn “dậy” cho Việt Nam một bài học.
CIA ra lệnh thủ tiêu Nguyễn Ngọc Loan
Tháng 4 , 1968, Cố vấn trưởng Cảnh sát Quốc gia VNCH, J. Accompura (nguyên đại tá Lục quân Hoa kỳ) được mời đến gặp vị tân Trưởng Trạm CIA (Station Chief) tại VNCH, ông George Weisz đến thay thế ông Jorgensen. Không úp mở, ông Weisz cho Accompura hay: “Chính phủ Hoa kỳ quyết định thủ tiêu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát QGVN, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan”.
Mặc dầu làm cố vấn cho tướng Loan chưa được 2 năm, Accompura lại rất thân tình và cảm mến ông. Accompura dấu kín chuyện CIA sẽ thủ tiêu ông, nhưng yêu cầu tướng Loan không được rời khỏi Dinh Độc Lập và không được tham gia bất cứ trận đánh nào có mục đích tiễu trừ các lực lượng MTGPMN tại trung tâm và ven đô Sài Gòn. Tướng Loan hứa suông với Accompura cho qua chuyện, nhưng ông không ngồi yên.
Ở đâu có tiếng súng AK-47 là ông nhào tới. Chỉ cần một tấm áo giáp, một khẩu M-16, với 12 băng đạn 5.56 ly vòng quanh bụng, đầu không nón sắt, chân dép cao su, không lon không lá, tướng Sáu Lèo lâm trận… không coi mũi tên hòn đạn của kẻ thù có kí lô nào. Một Don Quixote hay Triệu Tử Long? Có lẽ cả hai gom một. Nhiều người coi ông như “người hùng đơn độc”, một phán xét có phần cảm tính. Tôi quan niệm đơn giản: Ông là người chỉ huy biết lãnh đạo. Lãnh đạo bằng cách làm gương, nghĩa là sát cánh cùng quân sĩ, đồng lao cộng khổ, ngay nơi trận tiền. A true leader. Phải nói như thế. Như người Mỹ thường nói.
Đầu tháng 5, 1968, hay tin VC tràn về khu Tân Cảng, tướng Loan điều động 2 đại đội CS Dã Chiến truy kích Tiểu đoàn Thủ-Biên (6) MTGPMN đang đốt nhà dân để “chém vè” vì bị trực thăng võ trang UH-1B của Sư đoàn 25 BB Mỹ tấn kích từ phía bắc cầu Sài Gòn. Hay tin tướng Loan dẫn CSDC ra Tân Cảng, Accompura vội nhẩy xe Jeep Cảnh sát chặn đoàn xe của ông Sáu Lèo ở ngã tư Dakao – Phan Thanh Giản và yêu cầu ông cùng về Tổng Nha tham dự buổi họp Chương Trình Phượng Hoàng do W. Colby chủ tọa. Tướng Sáu Lèo từ chối.
Ai bắn nát chân tướng Loan?
Tin tức loan tải: 11 giờ 45 ngày 7 tháng 5, 1968, một tên VC núp dưới chân cầu Sài Gòn bắn sẻ viên đạn “dum dum” (7) phá vỡ nát bắp chân trái tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Các bác sĩ giải phẫu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, sau khi khám vết thương, nêu thắc mắc và khẳng định:
– Đầu đạn phá nát bắp chân trái tướng Loan không phải là “dum dum”. Nếu phải thì nó phải để lại những mảnh li ti và dấu vết thuốc nổ khi đầu đạn nổ lần thứ 2.
– Súng xung kích AK-47 của CS Bắc Việt sử dụng ở miền Nam không trang bị loại đạn “dum dum”.
– Súng bắn sẻ CKC của Tiệp Khắc cũng không trang bị đầu đạn “dum dum”.
– Đầu đạn AK-47 và CKC không phải là đạn xuyên phá. Loại đạn này chỉ tạo 1 lỗ nhỏ đường kính không quá 1 cm ở mặt trước vết thương, và mặt sau ít khi có lỗ rộng quá 5 cm.
Có lẽ chỉ có cố vấn Accompura biết rõ viên đạn làm tan nát cuộc đời binh nghiệp của tướng Loan là loại đạn gì. Và sát thủ là ai?
2005: Sau rốt, màn bí mật cũng được vén lên, bởi không ai khác là chính Accompura.
Sát thủ thi hành bản án tử hình tướng Loan là một hạ sĩ quan TQLC Hoa kỳ có vợ Việt Nam, làm việc cho CIA Sài Gòn. Khẩu súng bắn lén tướng Loan là M-16 gắn viễn vọng kính. Viên đạn M-16 cỡ 5.56 mm thuộc loại Flechette (8). Chi tiết được biết thêm:
Sát thủ đứng trên sàn trực thăng võ trang UH-1B, qua viễn vọng kính đã lẩy cò khi chiếu môn thập tự [+] nhắm trúng đầu tướng Loan. May thay,“Thiên bất dung gian”, người không thể giết người, chỉ có Trời mới giết được người. Lúc sát thủ lẩy cò cũng vừa là lúc trực thăng gặp “air turbulence” hụt hẫng đưa viên đạn trúng bắp chân trái Sáu Lèo đang gác trên thành cầu thay vì trúng đầu ông. Viên đạn Flechette 5.56mm đã phá nát bấy toàn thể bắp chân trái tướng Loan, cắt đứt gân lòng thòng và động mạch tiếp tế máu cho bàn chân.
Bác sĩ Trưởng Khoa Giải Phẫu Tổng Y Viện Cộng Hòa đề nghị cắt bàn chân bởi vì động mạch đã bị phá nát, nếu không, một thời gian ngắn bàn chân sẽ bị hư thối.
Tướng Loan yêu cầu, bằng mọi cách, giữ lại bàn chân trái cho ông.
Ảnh hưởng tiêu cực của tấm hình hay do lệnh CIA?
Bác sĩ cố vấn trưởng Tổng Y Viện đề nghị đưa tướng Loan đến điều trị tại Bệnh viện Quân Y Mỹ tại Long Bình. Giám đốc Bệnh viện từ chối vì không có khả năng nối động mạch vi ti ở bắp chân.
Tướng Kỳ yêu cầu MACV can thiệp với Hạm Đội 7 có tầu bệnh viện đón nhận tướng Loan để chữa trị. Tầu Bệnh Viện Đệ Thất Hạm Đội từ chối.
Chính phủ VNCH yêu cầu Tòa Đại sứ Hoa kỳ giúp đỡ đưa tướng Loan đến Bệnh viện Jama trên đất Nhật. Tòa Đại sứ Hoa kỳ khước từ.
Không thể trông cậy vào Đồng minh Hoa Kỳ giúp đỡ, tướng Kỳ cuối cùng nhờ đến Tòa Đại sứ Úc chấp thuận cho tướng Loan được điều trị tại Canberra. Chính quyền Canberra khước từ lời yêu cầu của VNCH, viện cớ dư luận dân chúng Úc không đồng tình chứa chấp một kẻ giết tù binh chiến tranh không vũ khí trong tay (9).
Tướng Loan giải ngũ, trở lại đời sống dân sự. Tướng Kỳ mất một người vừa là bạn thân, vừa là quân sư lỗi lạc trong cuộc đời tham chính của mình.
Hoa kỳ không giết chết được Loan nhưng vẫn căm tức “Sáu Lèo” một lúc phá hỏng hai giải pháp chính trị và quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Họ quả quyết: “Nếu Loan không rút 2 trung đội Cảnh sát Dã chiến bảo vệ Sứ quán ở đường Thống Nhất thì không tài nào tổ đặc công C-10 của MTGPMN có thể xâm nhập thành lũy tối cao và kiên cố nhất của Mỹ, làm ô danh siêu cường số 1 thế giới”.
Rất có lý, nhưng Hoa kỳ vẫn khờ khạo khi tin rằng “nắm được Nguyễn Thị Bình, Trần Bạch Đằng và Trần Văn Trà là chế ngự được thế thượng phong quân sự của đối phương”. Sự thực phũ phàng là [như ngày nay ai cũng biết] Cuộc Tổng Công Kích – Tổng Nổi Dậy Tết Mậu Thân 1968 của CSVN là thuộc quyền quyết định và được điều khiển bởi Lê Đức Thọ, Bí Thư Trung Ương Cục miền Nam và Võ Văn Kiệt, Bí thư Đặc ủy Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn.
Lý do tướng Loan rút 2 trung đội CSDC bảo vệ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất rất đơn giản và ngay thẳng. Đã là nơi sẽ diễn ra thương thảo giữa MTGPMN và Hoa Kỳ, thì VNCH cần gì phải canh gác? Đó là trách nhiệm của Mỹ.
Dự tính bắt cóc 6,000 người Mỹ làm con tin
Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy”, TS Nguyễn Tiến Hưng có đề cập đến một tình huống mà ông gọi là “cực kỳ ê chề” (10) khi Tòa Đại sứ Mỹ phải đối diện, nếu và khi QLVNCH hay Cảnh sát “nổi khùng” mà cưỡng chế cuộc di tản 6 ngàn người Mỹ và một số người Việt thân quen hay làm việc cho Mỹ khi thấy những người này cứ kìn kìn ra đi, bỏ mặc họ cho số phận. Nên nhớ là khi ấy, trong nội vi Sài Gòn, lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến hầu như nguyên vẹn cũng như một số đơn vị Nhẩy Dù và TQLC. Nếu có ai xúi dục và thuyết phục được họ đó là biện pháp duy nhất có thể làm để Mỹ phải đem quân tham chiến trở lại thì họ có khả năng quay súng bắn lại người Mỹ. Do đó, Hoa kỳ cũng có kế hoạch phòng hờ (11) đối phó với tình huống này, và Đại sứ Graham Martin cứ phải hành xử “bình chân như vại” cho tới phút chót mới chịu ra đi sáng ngày 30 tháng 4.
Điều này lý giải tại sao Mỹ phải cho ưu tiên di tản những phi công khu trục sang Utapao, Thái Lan, bởi vì QLVNCH chỉ cần vài chiếc F-5 là có thể bắn hạ những trực thăng di tản rơi rụng như sung. Trong tình huống này, TS Hưng lập luận, VNCH sẽ tức khắc trở thành thù địch, và sẽ không thể có Eden Center, Little Saigon hay Cabramatta vì không có người Việt nào được di tản thì làm gì có cộng đồng Người Việt Hải Ngoại như ngày nay?
Ý tưởng “bắt con tin” này có thể đã nhen nhúm trong đầu óc tướng Loan và có thể ông đã bàn bạc với bạn bè hay người thân. Từ ý tưởng sang ý định và đem ra thực hiện thì một người có uy tín và thành tích như ông có thể dễ dàng thuyết phục bạn bè tướng lãnh và thuộc cấp trong Không Quân và Cảnh Sát Quốc Gia. Nhưng ông đã không làm mặc dù Mỹ đã thù hận ông vì làm như thế sẽ có hại cho cả hai bên Việt, Mỹ và CSVN sẽ là kẻ thủ lợi. Ý tưởng này đã được một chuẩn úy KQVN kể lại cho Tòa Đại sứ Mỹ.
Từ cuối 1972, tướng Loan đã được một người bạn chính trị gia làm việc ở Tòa Bạch Ốc gửi thư riêng thông báo đầy đủ về kế hoạch rút quân của Hoa kỳ theo đúng những điều khoản của Hiệp Định Paris ký kết giữa Lê Đức Thọ và H. Kissinger ngày 27 tháng 1, 1973. Cuối thư, người bạn khuyên ông liên lạc với TVQL Anh tại Sài Gòn để thu xếp việc di tản cho chính bản thân ông và gia đình một khi Sài Gòn lọt vào tay các toán tiền tiêu của 6 sư đoàn CSBV. Ông biết là Hoa Kỳ sẽ chẳng bao giờ đem quân trở lại tham chiến tại miền Nam. Trừ phi…
Rốt cuộc, trưa ngày 29 tháng 4, 75, tướng Loan và gia đình đã phải chật vật lắm mới leo lên được một vận tải cơ C-130 và tới Utapao lúc 16:00 giờ chiều.

Trời kia đã bắt làm người có thân – Nguyễn Du
Để kết thúc câu chuyện, tôi xin nhường lời cho Eddie Adams:
“Ông Loan chạy thoát Việt Nam trong thời gian Sài Gòn sụp đổ và đến Mỹ. Sau cùng ông định cư ở vùng Burke, tiểu bang Virginia. Ông gắng mở một tiệm ăn ở miền Bắc Virginia nhưng khi có người biết ông là chủ thì tiệm ăn đóng cửa. Có những người phản đối đi vòng quanh khu đó hò hét để xả hơi nỗi bất bình của họ một cách thời thượng, an toàn.
“Ông ta rất đau yếu vì bị ung thư một thời gian. Và tôi nói chuyện với ông trên điện thoại tôi muốn làm một cái gì đó. Tôi giải thích mọi điều và kể lại chuyện tấm hình đã hủy hoại đời ông như thế nào thì ông ta chỉ muốn quên chuyện đó. Ông nói thôi bỏ đi. Còn tôi thì không muốn ông bỏ đi như vậy.”
“Thiếu tướng Loan từ gĩa cõi đời cách đây một năm và một tháng (12). Ông để lại vợ và năm đứa con. Phần lớn những bản tóm lược tiểu sử người quá cố cũng giống như tấm ảnh đã hủy hoại đời ông, chỉ có một chiều và cố chấp”.
Adams gửi hoa phúng điếu với một tấm thiệp trên viết dòng chữ, “Cho tôi xin lỗi. Lệ đang ứa trong mắt tôi.”
Chu Việt 

Việt Nam không dám công bố kiều hối 2017?

Cập nhật lúc 03-02-2018 14:05:52 (GMT+1)
Cần nhìn lại một dự báo của Pew Research Center hồi tháng Bảy năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ U

 
Một hiện tượng kinh tế - chính trị rất “đặc thù xã hội chủ nghĩa” là khi tháng Giêng năm 2018 đã qua, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được công bố về kết quả kiều hối mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã “hút” được từ gần 4 triệu “khúc ruột ngàn dặm” ở hải ngoại.

Giấu công bố?
Sự tương phản hoàn toàn trái ngược là vào những năm trước, đặc biệt vào năm 2015 khi lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về “thành công của Nghị quyết 36”, tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về “công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình “cống hiến cho quê hương”.
Nhưng vào năm 2017, ngay cả báo cáo 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê đã chẳng có con số tổng hợp nào về “tình hình kiều hối trên cả nước”, thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn - một thị trường được xem là “truyền thống”.
Vào năm 2017, Sài Gòn vẫn duy trì được vị thế “thành đô” của nó khi thu hút lượng kiều hối 5,2 tỷ USD, thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với 2016. Điều này có thể dễ dàng được lý giải vì Sài Gòn có hơn 1 triệu gia đình có người thân đi định cư ở nước ngoài và chiếm đến 55 - 60% trong tổng kiều hối về Việt Nam hàng năm. Trong cơ cấu của kiều hối về Việt Nam, thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với chiếm 60%, từ khu vực châu Âu là khoảng 19%. Việc kiều hối về Sài Gòn không giảm cũng cho thấy tính ổn định của người Việt hải ngoại khi gửi tiền về cho thân nhân của mình và đầu tư sản xuất ở thành phố này.
Tuy nhiên, dấu hỏi rất lớn đang bật lên là tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 là bao nhiêu? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ “kiều bào ta”? Liệu đã xảy ra một “sự cố” đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối 2017?
5,4 hay dưới 9 tỷ USD?
Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017: nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 - 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 sẽ vào khoảng 9 - 9,5 tỷ USD, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.
Nhưng nếu tỷ lệ 55 - 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao?
Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017: kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Dù tới nay các cơ quan chính quyền Việt Nam vẫn chưa công cố con số kiều hối năm 2017, rất nhiều khả năng con số 9 tỷ USD kiều hối năm 2016 chưa phải “đáy kiều hối” mà đang khiến “đảng và nhà nước ta” thất vọng đến thế nào, đặc biệt trong bối cảnh sức sản xuất và kinh doanh của nền kinh tế ngày càng thảm hại và Việt Nam hầu như bị các tổ chức tài trợ tín dụng lớn nhất hành tinh đóng cửa cho vay.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều: trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng USD dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
9/10 người hải ngoại đang làm ngược lại
Trong thực tế, cho dù Việt Nam tăng lãi suất gửi đồng USD trong thời gian tới, động tác này cũng khó làm hấp dẫn thêm lượng tiền kiều hối ở nước ngoài gửi về. Lý do đơn giản là mặc dù Ngân nhà nhà nước Việt nam đã duy trì chính sách gửi đồng USD với lãi suất bằng 0 trong cả năm qua, vẫn có nhiều người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm cách lách luật bằng việc vẫn gửi USD vào ngân hàng rồi ngay sau đó, họ lại thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VNĐ với lãi suất 4%-5%/năm, tiếp tục gửi tiết kiệm VNĐ với lãi 6%-7%. Như vậy, người gửi USD đã có mức sinh lời 2%/năm, và các ngân hàng thương mại vẫn đang huy động USD với mức lãi suất là 2%. Do đó, nếu Ngân hàng nhà nước tăng lãi suất huy động USD lên 0,25-0,5% thì cũng chỉ là bước đi nhằm dần dần hợp thức hóa những gì mà các ngân hàng thương mại đang làm, chứ không thể tăng huy động thêm USD cho nền kinh tế.
Tại APEC Đà Nẵng 2017, ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 - 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải “vay để đảo nợ”.
Trong khi đó, một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 - 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi USD ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho “kiều bào ta” yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Thậm chí ngay cả “Hội nghị hòa hợp dân tộc về văn học” - một động tác do đảng cầm quyền ở Việt Nam chỉ đạo cho Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, cũng không thể khiến người Việt hải ngoại được thuyết phục. Kết quả của hội nghị phải tổ chức đến hai lần này là khá thảm hại: lần đầu vào tháng 4/2017 đã phải hoãn lại do chẳng có nhà văn hải ngoại nào hồi âm cho gần 50 thư mời của Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh được gửi đi, còn lần thứ hai tuy được báo cáo là “tổ chức thành công” nhưng Hội Nhà văn Việt Nam lại giấu biệt danh sách các “nhà văn hải ngoại” tham dự. Kiều hối về Việt Nam cũng vì thế vẫn ngậm đắng nuốt cay…
Nguồn; Phạm Chí Dũng/Blog VOA

Tử vi năm 2018 Mậu Tuất

Cập nhật lúc 01-01-2018 21:00:00 (GMT+1)
Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

 
Cuộc sống, tình duyên và công việc của mỗi người một phần được quy định bởi con giáp mà họ mang. Sẽ không có con giáp nào là tốt và cũng không có con giáp nào là hoàn toàn toàn xấu, điều này tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác. Vậy tử vi 12 con giáp năm 2018 sẽ như thế nào?

Tuổi Tý





Tuổi Sửu





Tuổi Dần





Tuổi Mão





Tuổi Thìn





Tuổi Tỵ





Tuổi Ngọ





Tuổi Mùi





Tuổi Thân





Tuổi Dậu





Tuổi Tuất





Tuổi Hợi




Minh Hà.st







Sẵn sàng cởi truồng cho đá bóng  nhưng sẽ trùm mền khi nước mất nhà tan !!!!!!
Thumbnail
Nếu sự biểu hiện ấy có tính chân chính thì dẫu thắng được một môn thể thao hay mất đi số tài sản do Tổ Tiên để lại, tất cả đều phải được thể hiện dẫu vui hay buồn. Chẳng lẽ thắng một trận đấu của môn đá banh nó quan trọng hơn biển đảo, đất đai, tài nguyên của quốc gia?. Ngược dòng lịch sử, các tổ chức, các cá nhân, các hội đoàn Sinh viên học sinh mà tên gọi của nó là ĂCQGTMCS trước 1975 đã rầm rộ xuống đường để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu Thiệu, để chống Mỹ xâm lược, những người đó tại sao không xuống đường chống độc tài cộng sản, chống giặc xâm lược Tàu Cộng?.
*
Đó là cái tựa đề mà người viết muốn đề cập trong bài viết cho hiện trạng nhận thức về đất nước hôm nay của tuổi trẻ cùng số đông người dân Việt Nam.
Hậu quả quả của nền giáo dục "vuốt đuôi và bưng bô" của hệ thống nhồi sọ đã sinh sản ra những thế hệ tuổi trẻ mang tính lệ thuộc theo bầy đàn để đáp ứng những nhu cầu mà guồng máy cầm quyền độc tài muốn thấy.
Nhà cầm quyền muốn thấy dân chúng với cờ đỏ sao vàng phất phới trên khắp nẻo đường, góc phố với niềm hân hoan rằng Việt Nam chiến thắng, cho dẫu chiến thắng ấy chỉ đơn thuần là một bộ môn thể thao, để cho nhũng người dân khác cũng như thế giới thấy rằng guồng máy của họ được đám đông ủng hộ một cách vui mừng đầy phấn khởi.
Có nhiều người hỏi rằng: Ăn mừng chiến thắng đá bóng thì có gì là sai trái? Thì người viết cũng có quyền đặt ngược lại sự thắc mắc ấy: Cúi đầu trước bọn cầm quyền tôi tớ cho ngoại bang có sai trái không? Cúi đầu im lặng trước giặc ngoại bang Trung Cộng chiếm cướp biển đảo và đất liền thuộc chủ quyền của Việt Nam thì có sai trái không?.
Một cách trung thực thì thể hiện vui mừng cho những trận thắng giải của đá bóng  thì chẳng có gì là sai cả. Vấn đề được đặt ra ở đây là chỉ một vài trận đá banh thắng thì tuổi trẻ xuống đường tung hô ồ ạt nhưng tại sao khi Tàu Cộng lấn chiếm Biển Đông cùng các đảo và một số đất liền thuộc 6 tỉnh dọc biên thùy, bắn giết, tông chìm các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thì dân chúng lại cúi đầu lặng thình?
Không lẽ sự thắng cuộc tranh giải đá banh, nó quan trọng hơn Formosa thải chất độc giết biển, giết hàng triệu tấn cá và môi sinh cùng hàng triệu ngư dân thất nghiệp?
Nếu sự biểu hiện ấy có tính chân chính thì dẫu thắng được một môn thể thao hay mất đi số tài sản do Tổ Tiên để lại, tất cả đều phải được thể hiện dẫu vui hay buồn. Chẳng lẽ thắng một trận đấu của môn đá banh nó quan trọng hơn biển đảo, đất đai, tài nguyên của quốc gia?.
Đây có phải là một trong chuỗi nghịch lý dưới chế độ cộng sản?
Ngược dòng lịch sử, các tổ chức, các cá nhân, các hội đoàn Sinh viên học sinh mà tên gọi của nó là ĂCQGTMCS trước 1975 đã rầm rộ xuống đường để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu Thiệu, để chống Mỹ xâm lược, những người đó tại sao không xuống đường chống độc tài cộng sản, chống giặc xâm lược Tàu Cộng?.
Nếu những người ACQGTMCS này tự cho rằng họ là những người yêu nước, yêu dân tộc thì tại sao những năm tháng ĐCSVN và bọn giặc Tàu đã hiện nguyên hình là những tên phản quốc, những bọn cướp nước... những "anh hùng" này không dám xuống đường biểu hiện tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân ấy?
Nếu viện cớ là tuổi già lực yếu không còn sức để hùng hổ nữa thì cớ sao không ráng lết ra góc phố đông người nào đó đứng im như pho tượng để giơ cao những băng rôn, biểu ngữ phản đối cường quyền và ngoại xâm? Hoặc giả gióng lên những tiếng nói, những bài viết, những nhận thức đúng đắn nhằm giảng giải, hướng dẫn cho thế hệ nói tiếp về tinh thần tự hào dân tộc và truyền thống chống giặc ngoại bang.
Ngày xưa, chính thể Tự Do non trẻ của hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH đã quá nhân bản, quá tôn trọng Tự Do Ngôn Luận để rồi chính bọn ngu ngốc ACQGTMCS này bị xỏ mũi bởi đám cộng sản Bắc Việt (CSBV) giết chết chính thể đầy chính nghĩa này.
Xuân lại sắp đến trên dải đất cằn cỗi kiệt quệ (về cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) hầu như toàn diện này, những con dân có lương tâm cùng bổn phận không thể không đau lòng ngao ngán khi nhìn thất thế hệ trẻ đã bị đầu độc cả hình hài lẫn tâm tưởng, lao vào cuộc sống vật chất, bon chen, đua đòi với nhiều thể hiện nông cạn cùng mớ tư duy dường như trống rỗng.
Tương lai của một dân tộc lệ thuộc vào trình độ DÂN TRÍ, mà đại diện cho sư nhận thức của người dân Việt Nam qua lớp người trẻ nhưng tuổi trẻ VN bây giờ thì.... Than ôi.
Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ? 

Vũ Đình Liên

Nguyên Thạch

Dự án đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Vịnh Hạ Long

By H.Van



Vịnh Hạ Long. Ảnh: www.voatiengviet.comVịnh Hạ Long. Ảnh: www.voatiengviet.com
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho biết “đang nghiên cứu và khẩn trương hoàn thiện” dự án đầu tư đường hầm ngầm dưới nước dài hơn 1,3 km ở cửa ngõ vịnh Hạ Long để báo cáo Thủ Tướng, sau đó sẽ công khai dự án và “xin ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân.” Theo trang tin của chính phủ Việt Nam, đường hầm xuyên biển là một công trình hầm cấp đặc biệt, với 6 làn xe, được thiết kế theo tiêu chuẩn xây dựng mà Việt Nam đưa ra năm 2007.
Dự án đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Vịnh Hạ Long. Ảnh: Homedy.coDự án đường hầm xuyên biển đầu tiên tại Vịnh Hạ Long. Ảnh: Homedy.co
Đường hầm dài 2.140 m, sẽ nối hai trục đường chính trên hai bờ vịnh Hạ Long, thuộc khu vực Cửa Lục, thành phố Hạ Long, với mục tiêu “nâng cao năng lực kết nối, thông thương đường bộ” giữa các khu vực, và giảm tải cho cây cầu độc nhất Bãi Cháy đã quá tải, liên tục bị ách tắc giao thông, nhất là vào thời điểm mưa bão. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói đây là một dự án trọng điểm, nhưng mới chỉ trong giai đoạn nghiên cứu. Tổng ngân sách dự kiến đầu tư cho dự án là 7.875 tỷ đồng, khoảng $346, 57 triệu mỹ kim, trong đó chi phí xây dựng chiếm gần 5.000 tỷ đồng

“Mát-xa, mát-gần”!

Phần lớn những người hành nghề tẩm quất (hay còn gọi là mát-xa) dạo kiếm tiền lương thiện bằng sức lao động chân chính của họ. Nhưng cũng có không ít người lấy nghề này để ngụy trang cho những xảo thuật moi tiền, móc ví kẻ khác, phổ biến nhất là phục vụ tình dục cho dân “gay”, làm trò “ảo thuật chôm chỉa” thậm chí… cặp bồ nhằm bòn rút, kiếm chác và kể cả hình thức mát-xa kiêm “mát-gần” tức một dạng mại dâm… di động!
mat-xa-mat-ganMát-xa dạo trên bãi biển ở Việt Nam
Đàn ông hành nghề massage & những câu chuyện ít người biết
Năm 2015, từ huyện Ðông Anh (Hà Nội), Thành, 24 tuổi, lên tàu lửa thẳng tiến vào Sài Gòn. Sau chừng hơn hai tháng, Thành “bái bai”, bỏ luôn nghề đan nón lá, giỏ bội gia truyền của mình để “thọ giáo” một người đàn ông xứ Nghệ khác hiện sống ở quận Tân Bình, chuyên nghề tẩm quất dạo. Chưa đầy tuần lễ, Thành đã học gần hết các ngón nghề và bỏ ra mấy trăm ngàn bạc sắm lấy bộ đồ nghề, cùng chiếc xe đạp để bắt đầu việc làm ăn mới: tẩm quất dạo. Ðịa bàn ban đầu là các khu vực nhiều dân lao động nhập cư. Thành kể: “Làm mấy tháng trời vẫn quá “vã” vì tiền công ít ỏi (chỉ có 15 – 20 nghìn đồng/lần), tiền “boa thêm” cũng chẳng bao nhiêu”. Một lần kia khi đi ngang qua khu vực Công viên Lê Văn Tám, anh tình cờ được một anh thanh niên bảnh bao vẫy tay kêu vào phục vụ. Ngoài số tiền trả công theo lệ thường, Thành còn được anh ta “bo” thêm 50 ngàn đồng. Không khó khăn mấy khi Thành  nhận rõ anh trai này thuộc dạng “gay thứ thiệt” cùng với lời nhắn “xi-du-ờ-ghên”.Từ đó, Thành cũng biết được thêm cái nhu cầu “cần giải quyết sinh lý” thực sự của giới này, đồng thời xác định đây chính là những khách hàng dễ kiếm tiền nhất của giới… mát-xa nam như mình! Thế là từ dạo ấy trở đi, đêm đêm, Thành thường cố tình dạo xe vòng quanh khu Công viên Lê Văn Tám, xa hơn nữa là khu công viên Hoàng Văn Thụ, công viên 23/9, công viên cạnh Nhà thờ Ðức Bà… để tìm khách và thông thường chỉ chọn khách là dân thuộc hệ …“xăng pha nhớt”. Thành nói: “Những lần đầu tiếp xúc với họ, thật ra ngán còn hơn… cơm nếp!. Vì chẳng có tay “pê”, tay “bóng” nào chịu khó nằm yên cho mình làm đâu. Họ cứ đòi nào là mát-xa, đấm bóp… ngược lại mình mới hoảng chứ. Nhưng miết rồi cũng quen, em cứ việc cho bọn họ thoải mái một tí là có thêm chút tiền “boa”.Cũng nhờ vào khoản tiền “boa” hào phóng sau những lần “làm việc” với dân “gay” như vậy, chỉ vài tháng sau đó, Thành còn để dành tiền mua được cả xe Wave Tàu, sau đó còn “dìu dắt” thêm vài bạn đồng hương trẻ vào nghề. 
mat-xa-mat-gan2Mát-xa nam
Mát-xa nữ và những dòng quảng cáo “bất bình thường”
Trong khi ấy, trên mạng và các mạng xã hội hiện nay, thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp có những trang dày kín những mục rao vặt đủ mọi thứ thượng vàng, hạ cám trên đời. Lợi dụng sự đa dạng của những thông tin phổ cập nhằm phục vụ cho đời sống tiêu dùng, những cô gái mại dâm cũng đã có dịp tự quảng cáo mình cho cánh đàn ông thích trăng hoa dễ dàng tiếp cận. Và nếu như chỉ đọc lướt qua những dòng quảng cáo sau đây mà không đi sâu vào thực tế, có lẽ ít có ai có thể hình dung được một hình thức mại dâm kiểu mới đang hoạt động công khai từng ngày mà xem ra khó bị pháp luật “đụng chạm”: “Nữ 24 tuổi, chuyên massage thư giãn, chuyên day ấn huyệt toàn thân, chống mệt mỏi cho nam giới. Phục vụ tận nơi theo yêu cầu khách, xin liên hệ  Mimi theo số 0908… từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm, chỉ gọi phôn trao đổi trực tiếp, không nhắn tin!”. Lại gần cả chục mẩu quảng cáo với nội dung đại loại như trên với những cái tên hết sức ấn tượng: Quỳnh Như, Tố Uyên, Ngọc Huệ, Thùy Linh, Hồng Phương, Tuyết Nhung, Lan Anh, Kim Hồng… Tuy nhiên có một thực tế là khi các ông thử bốc máy lên gọi các em, xem ra chẳng hề có ông nào với động cơ vì thấy toàn thân mệt mỏi, tứ chi rã rời cần bấm huyệt, thư giãn, mà cốt nhằm thỏa mãn cơn dục tình đang réo gọi trong lòng. Những cô gái hành nghề mại dâm chuyên nghiệp dưới hình thức này có lẽ cũng thấy mình đang có được độ an toàn cao mà lại dễ kiếm tiền. Các cô lý giải, những ông khách có một chỗ riêng tư để “xung trận” như thế hầu hết đều là những kẻ có tiền. Hơn nữa, khi đang hành nghề lỡ có bị… công an ập vào thì các cô cũng dễ dàng chối tội: “Em chỉ đơn thuần làm mát-xa, có rao vặt quảng cáo trên…mạng đàng hoàng đó thôi. Chẳng qua đến đây thấy vị khách này quá dễ thương nên phát sinh tình cảm mà cho không, biếu không chứ chẳng có chuyện mua bán, mãi dâm gì ráo trọi”. Thật ra, những chị em đăng quảng cáo trên mạng nhận đến tận nhà mát-xa, đấm bóp cho nam giới (và có cả cho nữ giới) cũng không phải cô nào cũng là thứ bán phấn buôn hương, nhưng con số những người hành nghề một cách đàng hoàng thì xem ra vẫn quá hiếm hoi và cũng chỉ vài người đứng tuổi, kém nhan sắc, chỉ biết lấy tay nghề làm kế sinh nhai nên cũng lắm phen đắng cay tủi nhục với “nghề”. Còn ngược lại, hầu hết khách (nhất là cánh các đấng mày râu) thường là những tay thích tìm “của lạ” chứ đâu cần tẩm quất, mát-xa nên khi mới diện kiến qua dung nhan buổi tàn thu của các cô, họ đã tìm cách từ chối thẳng thừng. Nhiều ông tánh khí sỗ sàng còn nặng lời chê bai, xua đuổi. Còn như những cô đương thời xuân sắc cho dù chẳng biết bấm huyệt, nắn gân gì vẫn cứ đắt khách, điện thoại di động réo liên tục. Bởi đây mới đúng là đối tượng các ông “hảo ngọt” cần tìm. Và để có thể tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã thử liên lạc với hầu hết số điện thoại mà các cô quảng cáo. Số máy đầu tiên là của một “chuyên viên xoa bóp” có tên là K.X, 24 tuổi. Khoảng 15 phút sau, theo đúng địa chỉ, một cô gái cao ráo, mặt hoa da phấn, cưỡi xe máy Yamaha Nouvo 4 đến gõ cửa. Vừa bước vào phòng, đặt túi xách xuống giường, sau vài câu chào hỏi, cô gái thản nhiên cởi chiếc quần jean đang mặc, từ tốn lấy trong túi ra cái váy ngắn và chiếc áo hai dây, nói tỉnh bơ: “Em mang theo đồ thay cho tiện việc phục vụ anh tới nơi tới chốn đó nghen!”. Cố tình kéo dài thời gian, cô gái cứ đứng uốn éo thân hình một cách khiêu khích trước gương rồi vờ cất tiếng hỏi: “Anh thấy thân hình em có hấp dẫn không?”. Khi bước vào công việc chính thì dường như chẳng hề có chút tay nghề mát-xa, đấm bóp nào cả. “Anh có muốn “mát gần” không? Nội khoa cho em xin 300, còn ngoại khoa chỉ có 150 thôi, bảo đảm em sẽ làm cho anh quên hết trời trăng mây nước!”
mat-xa-mat-gan1Mát-xa, loại dịch vụ dễ biến tướng thành các hình thức mại dâm
…150 nghìn đồng/suất “mát-xa”, 250 – 300 nghìn đồng/suất… “mát gần” và không cần phải… “mát-xa”!
NS SÀI GÒN






Mỹ : Trump cho công bố văn bản mật chỉ trích FBI lạm quyền

Đăng ngày 03-02-2018 Sửa đổi ngày 04-02-2018 13:43
mediaCông tố viên đặc biệt Robert Mueller (P) sau buổi tường trình ở Thượng Viện về cuộc điều tra. Ảnh ngày 21/06/2017.Reuters
Ngày 02/02/2018, Nhà Trắng đã bật đèn xanh cho Hạ Viện Mỹ công bố bản báo cáo do Ủy Ban Tình Báo thực hiện. Tác giả báo cáo dài chưa tới 4 trang, dân biểu bang California, Devin Nunes, một người thân cận với tổng thống Donald Trump, chỉ trích Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI nghe trộm điện thoại nhiều thành viên trong êkíp của ông Trump trong thời gian vận động tranh cử tổng thống.
Cụ thể hơn, nội dung văn bản nói trên gồm những gì và tại sao tài liệu mật này lại có nguy cơ đẩy nước Mỹ vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng? Thông tín viên RFI từ Washington, Anne Corpet giải thích :
"Văn bản mật dài 3 trang rưỡi, do phe Cộng Hòa tại Hạ Viện Mỹ soạn thảo, chỉ liên quan đến một khía cạnh nhỏ của cuộc điều tra về nghi án Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều yếu tố khác của vụ việc đã bị bỏ qua. Đây là một bản ghi nhớ không đầy đủ về một hồ sơ vô cùng phức tạp với rất nhiều ngõ ngách. Đó chính là lý do khiến Cục Điều Tra Liên Bang FBI và nhân vật số 2 trong bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phản đối việc cho công bố tài liệu mật nói trên.
Thế nhưng, theo quan điểm của Donald Trump, văn bản này đủ để mọi người hoài nghi về tính trung thực trong cuộc điều tra mà công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang tiến hành. Ngay sau khi cho phép giải mật bản ghi nhớ của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, tổng thống Donald Trump tuyên bố : "Đây là một vụ tai tiếng đang diễn ra trên đất nước của chúng ta. Nhiều người phải lấy làm xấu hổ và còn hơn thế nữa. Rồi chúng ta sẽ thấy chuyện gì xảy ra sau đó. Nhưng nhiều người phải lấy làm hổ thẹn".
Qua mạng Twitter, tổng thống Hoa Kỳ đã trực tiếp nghi ngờ về tính trung thực của FBI và nhiều quan chức cao cấp trong bộ Tư Pháp. Phe Dân Chủ cảnh cáo là trong trường hợp cách chức công tố viên đặc biệt Robert Mueller hay cấp trên của ông này, đây sẽ là một hành vi cản trở tư pháp và điều đó có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng về định chế".
Văn bản mật nói gì ?
Văn bản mật do các nghị sĩ Cộng Hòa soạn thảo và vừa được tổng thống Donald Trump giải mật bày tỏ những « mối quan ngại về tính chính đáng và tính hợp pháp » của một số hành động của FBI và bộ Tư Pháp Mỹ.
Chiếu theo một đạo luật được thông qua cách đây 40 năm, Foreign Intelligence Surveillance Act – FISA, các nhà điều tra của bộ Tư Pháp Mỹ phải trình cho một thẩm phán liên bang những yếu tố cho thấy một cá nhân nào đó bị nghi là đang bí mật làm việc cho một nước ngoài, để được quyền nghe lén điện thoại của người đó.
Theo nội dung văn bản mật vừa được công bố, để được ngành tư pháp cấp phép nghe lén điện thoại, bộ Tư Pháp và cơ quan FBI đã dựa trên những thông tin do một cựu điệp viên Anh Quốc, Christopher Steele thu thập được. Nhân vật này đã làm việc trong khuôn khổ một công tác do đảng Dân Chủ và êkíp tranh cử của bà Hillary Clinton tài trợ, cho nên bị xem là có lập trường chống Trump.
Văn bản mật cũng khẳng định là khi xin phép nghe lén điện thoại ông Carter Page, từng là một thành viên trong êkíp tranh cử của Donald Trump, bốn lãnh đạo cao cấp của FBI và của bộ Tư Pháp đã cố tình không nói đến động cơ chính trị của cựu điệp viên Steele. Hơn nữa bản thân Steele là một nhân vật bị xem là không đáng tin cậy, vì đã nói dối với FBI về những mối liên hệ của ông và đã tiết lộ các thông tin cho báo chí, vi phạm quy định về bảo mật của giới tình báo.
Văn bản mật "quên" nói những gì?
Thế nhưng văn bản mật vừa được công bố lại không nói rõ là ông Carter Page đã bị FBI tình nghi từ năm 2013, tức là từ lâu trước khi cựu điệp viên Steele được giao điều tra về nhân vật này. Văn bản cũng không nói rõ là hồ sơ của Steele không phải là khởi điểm của cuộc điều tra của FBI về khả năng đã có sự thông đồng giữa Matxcơva với êkíp tranh cử của Donald Trump. Cuộc điều tra này chỉ được mở ra vào tháng 07/2016, sau khi cơ quan tình báo Mỹ ghi nhận đã có rất nhiều liên lạc giữa phía Nga với các nhân vật thân cận của ứng cử viên Cộng Hòa.
Ngoài ra, văn bản mật nói trên quên nói rằng việc sử dụng những thông tin từ những nhân vật có các thành kiến hoặc che giấu những ý đồ không phải là chuyện hiếm có. Tùy thẩm phán liên bang đánh giá những thông tin đó đáng tin cậy đến mức nào, rồi từ đó ra quyết định có cho phép nghe lén điện thoại hay không.

Lầu Năm Góc muốn giảm sức mạnh của vũ khí hạt nhân, vì sao các đối thủ của Mỹ phải sợ hãi?


Chính sách hạt nhân của Mỹ liệu có dẫn tới chạy đua vũ khí hạt nhân?

Thu Hoài | 04/02/2018 15:37
Chính sách hạt nhân của Mỹ liệu có dẫn tới chạy đua vũ khí hạt nhân?

Chính sách hạt nhân mới vừa được Mỹ công bố ngày 3/2 đã vấp phải những phản ứng trái chiều.

Trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa được giải quyết hay những tranh cãi về bản chất chương trình hạt nhân Iran vẫn chưa ngã ngũ, giới phân tích lo ngại, những công bố mới của Mỹ có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu cấm phổ biến loại vũ khí nguy hiểm này.
Chính phủ Nga hôm qua đã lên án bản chất “hiếu chiến” và “chống Nga” trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Nga thất vọng sâu sắc với nội dung trong “Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018” được bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 2/2.
“Bản chất hiếu chiến và chống Nga” trong tài liệu này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, mặt khác, Bộ Ngoại Nga khẳng định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, nước này đều sẵn sàng hợp tác với Mỹ nhằm thúc đẩy một mối quan hệ ổn định, cũng như duy trì sự ổn định chiến lược.
Trong khi đó, Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ cũng đang lo ngại trước tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, lại đánh giá cao “Báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân 2018” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, chính sách mới đã thể hiện rõ quyết tâm của Mỹ nhằm đảm bảo tính hiệu quả của năng lực phòng thủ, cũng như hỗ trợ các đồng minh phòng thủ, trong đó có Nhật Bản.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Ngoại giao Nhật Bản cũng nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân một cách thực tiễn và rõ ràng cùng với Mỹ, quốc gia giữ vai trò dẫn đầu trong việc xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
“Báo cáo đánh giá hình hình hạt nhân 2018” đã vạch ra những thạm vọng của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, hướng đến mở rộng và phát triển năng lực hạt nhân. Tài liệu nhận định nước Mỹ đang đối mặt với một môi trường đe dọa hạt nhân lớn chưa từng có, trong bối cảnh các đối thủ tiềm tàng của Mỹ đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân.
Chiến lược hạt nhân mới của Mỹ sẽ nhằm vào Nga và Trung Quốc? VOV.VN - Báo cáo tình hình hạt nhân mới của Mỹ được cho là sẽ nhằm ngăn chặn các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.
Nhấn mạnh mối quan ngại của chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và Nga, bản báo cáo dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, song vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng răn đe.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Patrickh M. Shanahan nói: “Đánh giá này phù hợp với các chính sách hạt nhân của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khẳng định mục tiêu cơ bản của chính sách hạt nhân Mỹ là ngăn chặn và tiếp tục cam kết rõ ràng đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và kiểm soát vũ khí”.
“Tuy nhiên môi trường an ninh đầy thử thách đòi hỏi chúng ta phải tăng cường chính sách ngăn chặn. Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân 2018 này đã đáp ứng được nhu cầu an ninh hiện nay thông qua một chiến lược ngăn chặn hạt nhân phù hợp và sự linh hoạt để ngăn chặn một cách hiệu quả”, ông Shanahan cho biết thêm.
Tài liệu đề xuất phát triển các loại vũ khí hạt nhân theo hướng nhỏ gọn hơn với sức nổ dưới 20 kiloton. Báo cáo lập luận rằng, Mỹ sẽ không bao giờ sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá lớn mà hướng đến phát triển các loại vũ khí hạt nhân nhỏ gọn như một lựa chọn để đối phó với các tình huống khẩn cấp, bao gồm các cuộc tấn công phi hạt nhân.
Sau khi một phần nội dung của tài liệu được báo chí Mỹ tiết lộ, không chỉ Nga, mà giới chuyên gia cũng đã bày tỏ lo ngại kế hoạch trang bị những vũ khí hạt nhân mới cho nước Mỹ có thể làm gia tăng nguy cơ một cuộc đua vũ khí hạt nhân.
Trước những chỉ trích này, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 3/2 khẳng định, Mỹ không hề có ý định là nước tấn công đầu tiên. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho rằng, đây là một sự răn đe mạnh mẽ hơn nữa trước các cuộc tấn công chiến lược nhằm vào Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Tài liệu này cũng đánh dấu việc chính quyền Tổng thống Donald Trump từ bỏ một số nội dung trong tầm nhìn về tương lai hạt nhân của Mỹ dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, người từng kêu gọi xóa bỏ vũ khí hạt nhân trong một phát biểu nổi tiếng hồi năm 2009. Trước đó, trong thông điệp liên bang, Tổng thống Donald Trump cũng đã đề xuất hiện đại hóa và tái xây dựng kho vũ khí hạt nhân nhằm gia tăng sức mạnh răn đe trước mọi hành động gây hấn.
Tuy nhiên, lời biện bạch này của chính quyền Tổng thống Donald Trump xem ra không mấy thuyết phục. Bởi việc phát triển cũng như sử dụng vũ khí hạt nhân hạng nhẹ như Mỹ nói, hay còn được gọi là bom “chiến thuật”, vẫn có sức công phá lớn với mức độ hủy diệt tương đương hai quả bom từng được thả xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ 2. Và vì thế, những nước đối đầu trực tiếp với Mỹ như Triều Tiên hay Iran chắc chắn cũng sẽ không ngồi yên./.

Đại sứ Nga "vạch mặt" ý đồ mở rộng kho hạt nhân của Mỹ

Minh Thu | 04/02/2018 09:49
Đại sứ Nga "vạch mặt" ý đồ mở rộng kho hạt nhân của Mỹ
Tên lửa Trident II D5 được phóng từ tàu ngầm lớp Ohio USS Maryland của hải quân Mỹ.

Đại sứ Nga tại Mỹ nhấn mạnh Washington đang sử dụng cái gọi là mối đe dọa từ Nga để tăng cường năng lực hạt nhân trong khi mục đích thực sự của chiến lược hạt nhân hiếu chiến là đổ hàng ngàn tỷ USD vào lĩnh vực quân sự.

“Vấn đề là người Mỹ lại dùng Nga làm cái cớ để tăng chi tiêu quân sự và xây dựng năng lực hạt nhân”, RT dẫn lời đại sứ Anatoly Antonov trả lời trước câu hỏi liên quan tới Bản đánh giá tình trạng hạt nhân của Mỹ (NPR) mới được công bố.
Theo đó, NPR đã kêu gọi cần có phản ứng trước mối đe dọa hạt nhân truyền thông trong đó Nga được xem là thách thức chính của Mỹ bên cạnh Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.
NPR cũng nhấn mạnh, Mỹ cần nâng cấp kho hạt nhân đồng thời đưa ra lời cảnh báo trước chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của Nga và cáo buộc Moscow đã sẵn sàng “sử dụng vũ lực để thay đổi bản đồ châu Âu”.
“Nga cho rằng Mỹ muốn chi thêm tiền cho ngành công nghiệp quân sự và số tiền này lên tới hàng ngàn tỷ USD”, ông Antonov nói.
Ngoài ra, NPR cho hay Mỹ sẽ cải tiến các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm để có thể mang theo đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ cùng với kế hoạch nâng cao năng lực cho các tên lửa hành trình phóng từ trên biển để ngăn chặn Nga.
Cũng theo NPR, những biện pháp này của Mỹ là cần thiết để ngăn việc “Nga không tuân thủ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), cùng kho hạt nhân phi chiến lược và các hành động gây bất ổn của Moscow”.
Song ông Antonov phủ nhận cáo buộc của Mỹ khi cho rằng Moscow vi phạm các quy định liên quan tới hiệp ước INF ký kết năm 1987.
“Tôi muốn nói rõ rằng, Nga tuân thủ mọi hiệp ước quốc tế và chúng tôi thi hành các hiệp ước này một cách có trách nhiệm và chính xác”, đại sứ Nga tại Mỹ nhấn mạnh.
Trong khi đó, học thuyết hạt nhân của Nga khẳng định quốc gia này chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả trước các cuộc tấn công hạt nhân, hay sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc đối phương sử dụng vũ khí truyền thống nhưng lại đe dọa tới sự tồn vong của Nga.
Việc tăng cường năng lực hạt nhân của Mỹ cũng đã được Tổng thống Donald Trump đề cập tới trong bài phát biểu thông điệp liên bang lần đầu tiên. Ông Trump đã hứa biến kho hạt nhân Mỹ “trở nên mạnh mẽ hơn” để ngăn chặn mọi cuộc xâm lược.
Còn theo bản báo cáo công bố hồi tháng 10 năm ngoái của Văn Phòng ngân sách quốc hội Mỹ, chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân của Tổng thống Trump sẽ dùng tới khoản tiền 1,2 ngàn tỷ USD giai đoạn từ năm 2017 – 2046.
Trung Quốc và Nga giận dữ chỉ trích chính sách hạt nhân mới của Mỹ
Đăng ngày 04-02-2018 Sửa đổi ngày 04-02-2018 12:48
media«Nuclear football» vali chứa mã hạt nhân, vật bất ly thân của tổng thống Mỹ ở bất kỳ đâu. Ảnh chụp : sĩ quan Mỹ mang vali hạt nhân tháp tùng tổng thống Donald Trump, tại Nhà Trắng, 02/12/2017.Olivier Douliery / AFP
Ngày 04/02/2018, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ về chính sách hạt nhân mới của Mỹ, được công bố hôm thứ Sáu 02/02.
Trong một thông cáo ra hôm nay (04/02), bộ Quốc Phòng Trung Quốc mạnh mẽ chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc đưa ra « những ước tính hú họa » về ý đồ của Trung Quốc và đã thổi phồng hiểm họa sức mạnh hạt nhân của nước này.
Trung Quốc « kịch liệt phản đối » bản báo cáo của Hoa Kỳ, khẳng định nước này vẫn « duy trì nguồn lực hạt nhân ở mức tối thiểu theo như yêu cầu về an ninh quốc gia đặt ra ». Bắc Kinh kêu gọi Hoa Kỳ hãy « từ bỏ tư tưởng Chiến Tranh Lạnh ».
Tuy nhiên phản đối mạnh nhất có lẽ là đến từ phía Nga. Bộ Ngoại giao nước này, trong một thông cáo, đã lên án « tính chất hiếu chiến » và « chống Nga » trong chính sách hạt nhân mới của Mỹ. Thông cáo ghi : « Ngay khi đọc, tính chất hiếu chiến và bài Nga đã đập vào mắt ».
Bộ Ngoại Giao Nga tỏ « thất vọng sâu sắc » về diễn tiến mới này, và cam kết sẽ có phản ứng để đối phó với những chương trình hạt nhân mới của Mỹ. Đồng thời, Matxcơva chỉ trích các cáo buộc của Mỹ trong báo cáo là « nực cười », « vô căn cứ », xem đấy như là « một ý đồ bất công nhằm đổ vấy trách nhiệm của mình lên người khác »
Bộ Ngoại Giao Nga cho rằng « tình hình an ninh thế giới và khu vực xuống cấp và tình trạng mất cân đối của các cơ chế kiểm soát vũ khí là kết quả của một chuỗi hành động vô trách nhiệm từ chính bản thân Hoa Kỳ ».
AFP nhắc lại, trong báo cáo mang tên « Vị thế hạt nhân », Lầu Năm Góc cho biết muốn được trang bị các loại vũ khí hạt nhân mới có tầm hoạt động thấp, đồng thời đưa ra các đánh giá về những hiểm họa hạt nhân đối với Mỹ trong những thập niên tới đây.
Phần lớn nội dung bản báo cáo chủ yếu nhắm vào Nga trước thái độ quyết tâm chạy đua vũ trang trở lại, nhưng tài liệu này cũng nhắc đến sự thiếu minh bạch về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Với tuyên bố mới này, giấc mơ một hành tinh không có hạt nhân của cựu tổng thống Obama coi như tan thành mây khói. Vì sao có sự chuyển hướng như vậy ? Chuyên gia Corentin Brustlein, phụ trách Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp trên đài RFI giải thích :
« Khởi nguồn của vị thế hạt nhân mới này bắt đầu từ sự ghi nhận một tình trạng xuống cấp thêm thảm hoàn cảnh chiến lược từ năm 2014. Hoa Kỳ nhận thấy không thể tiếp tục giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược của mình nữa do tình hình căng thẳng với các cường quốc, nhất là với Nga và Trung Quốc đang nổi lên trở lại và nhất là do sự trỗi dậy của các đối thủ hạt nhân khu vực như Bắc Triều Tiên chẳng hạn. Chính xu hướng thay đổi này giải thích vị thế mới của Mỹ, khác hẳn với tinh thần lập trường trước đây được Obama thiết lập vào năm 2010 ».

Mỹ : Trận chung kết Super Bowl 2018 và những con số chóng mặt

Đăng ngày 04-02-2018 Sửa đổi ngày 04-02-2018 14:38
mediaSân vận động US Bank Stadium tại thành phố Minneapolis, Minnesota, nơi diễn ra trận chung kết bóng đá Mỹ Super Bowl ngày 04/02/2018. (Ảnh chụp ngày 29/01/2018)REUTERS/Kevin Lamarque
Hôm nay 04/02/2018, tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ diễn ra trận Super Bowl, chung kết bóng đá Mỹ hàng năm giữa đội bóng New England Patriot và Philadelphia. Đây là trận đấu được hàng trăm triệu người dân Mỹ trông đợi hàng năm. Ngoài tính chất cạnh tranh chuyên môn, trận Super Bowl còn là cuộc đua chóng mặt của những con số mà mỗi năm lại có thêm kỷ lục mới.
Thông tín viên Marie Bourreau tại New York :
Những con số quá cỡ theo kiểu Mỹ: Khoảng 170 triệu người có thể sẽ theo dõi trận chung kết này. Ngôi sao lần này sẽ là Tom Brady, người giữ vị trí như kiểu tiền vệ đội New England Patriot của thành phố Boston.
Đây là cầu thủ có thu nhập cao nhất trong lịch sử làng bóng đá Mỹ. Trong năm 2018 này, ước tính Tom Brady có thể kiếm được 75 triệu đô la. Anh còn là chồng của siêu mẫu người Brazil, Gisele Bund­chen nổi tiếng. Như thế cũng đáng để khán giả theo dõi.
Giá vé vào xem trận đấu trên sân trung bình là 5000 đô la. Nhưng trận chung kết Super Bowl còn nổi tiếng bởi 30 phút nghỉ giải lao giữa các hiệp đấu. Đó là lúc để các spot quảng cáo chen vào nhưng với giá đắt kinh khủng : 4,5 triệu đô la cho 30 giây quảng cáo. Các nhà quảng cáo dám chơi mạnh tay như vậy bởi 99% khán giả truyền hình Mỹ vẫn theo dõi các quảng cáo trên màn hình.
Tiếp đến là buổi biểu diễn ca nhạc. Năm nay, Justin Timberlake bao chọn show diễn. Mặc dù không lấy tiền thù lao nhưng đổi lại, một buổi biểu diễn thành công tại đây sẽ giúp ca sĩ bán chạy như tôm tưới các album của mình.
Trận đấu còn diễn ra ngay cả trong bếp : 49 triệu lon bia, hơn một tỷ chiếc cánh gà được tiêu thụ trong dịp diễn ra trận đấu. Ngày hôm sau của trận chung kết sẽ không còn hừng hực khí thế nữa. 39% khán giả truyền hình sẽ không đi làm ngày thứ Hai. Điều này có nghĩa kinh tế Mỹ sẽ thâm hụt 3 tỷ đô.

Matxcơva xác nhận chiến đấu cơ Nga bị quân nổi dậy bắn rơi tại Syria

Đăng ngày 04-02-2018 Sửa đổi ngày 04-02-2018 14:05
mediaChiến đấu cơ Sukhoi SU_25 của không quân Nga tại căn cứ quân sự Nga, Latakia, Syria. Ảnh chụp ngày 16/12/2015.Paul GYPTEAU / AFP
Bộ Quốc Phòng Nga lên tiếng xác nhận, các nhóm nổi dậy trong tỉnh Idleb đã bắn hạ một chiến đấu cơ Sukhoi SU-25 của Nga hôm qua, 03/02/2018, đồng thời phi công của chiếc máy bay trên đã bị thiệt mạng sau khi nhảy dù vào khu vực quân nổi dậy kiểm soát.
Thông tín viên RFI, Etienne Bouche, tại Matxcơva, cho biết thêm thông tin :
« Phi công đã bị chết trong cuộc chiến chống khủng bố », Bộ Quốc Phòng Nga ra thông báo như trên vào hôm qua, thứ Bảy. Chiếc chiến đấu cơ loại Sukhoi SU-25 đã bị bắn hạ trong tỉnh Idleb, tây-bắc Syria. Bộ Quốc phòng cho biết thêm, phi công của chiếc chiến đấu cơ này đã bật dù thoát khỏi máy bay.
Theo Matxcơva, « máy bay đã bị bắn hạ bởi một hệ thống tên lửa phòng không cơ động ». Dân biểu Dmtri Sabline, người điều phối các hoạt động của nhóm hữu nghị giữa Hạ Viện Nga và Syria, đã quả quyết với hãng tin Nga Intefax rằng hệ thống tên lửa phòng không nói trên đã được đưa vào Syria từ một nước láng giềng cách đây vài hôm thôi.
Quân đội Nga cũng thông báo đã tấn công bằng những « vũ khí có độ chính xác cao » khu vực chiếc máy bay của họ bị bắn rơi. Phía Nga khẳng định đã tiêu diệt « hơn 30 chiến binh của Mặt Trận al-Nosra ». Tối qua, nhóm thánh chiến trên hiện đang kiểm soát khu vực đã lên tiếng nhận bắn hạ chiến đấu cơ Nga.
Đây không phải lần đầu tiên máy bay Nga bị bắn hạ trong vùng. Hồi tháng 8/2016, một trực thăng Nga cũng đã bị quân nổi nổi dậy bắn rơi khiến 5 lính Nga thiệt mạng.

Bảy binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở miền bắc Syria

Đăng ngày 04-02-2018 Sửa đổi ngày 04-02-2018 14:44
mediaLực lượng đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ, gần đỉnh Barsaya, đông bắc Afrin, ngày 01/02/2018.REUTERS/Osman Orsal
Trong chiến dịch tấn công mang tên « Cành Olive » nhắm vào lực lượng Kurdistan, ở Afrin, trên lãnh thổ Syria, ngày hôm qua, 03/02/2018, bảy binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng. Cùng với đà tiến quân về phía thành phố Afrin, thiệt hại nhân mạng của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng.
Play
Current Time0:00
/
Duration Time0:00
Progress: 0%
0:00
Fullscreen
00:00
Mute
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer gửi về bài tường trình:
 Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, ngày thứ 15 của cuộc tấn công vào Afrin, nhằm đánh đuổi lực lượng du kích Kurdistan của đảng YPG, gây nhiều thiệt hại nhân mạng nhất, kể từ khi chiến dịch này khởi động vào ngày 20/01.
Theo Bộ Tham Mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, một binh sĩ đã thiệt mạng trong các vụ chạm súng, một người khác tử trận trong cuộc tấn công vào một trạm kiểm soát biên giới và 5 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng khi chiếc xe tăng của họ bị tấn công, ở phía đông bắc Afrin.
Theo tổng kết chính thức, như vậy có 14 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng kể từ khi cuộc tấn công khởi phát. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã đáp trả bằng các cuộc không kích, phá hủy nhiều hầm trú ẩn và kho cấu giấu vũ khí đạn dược của các chiến binh Kurdistan mà Ankara coi là những kẻ khủng bố, nhưng lại được Hoa Kỳ coi là đối tác trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.
Vào lúc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria đồng minh của Ankara trong chiến dịch này đang vất vả tiến vào các vùng đồi núi, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã khẳng định là quân đội đang ở gần Afrin.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày, thông báo nhiều lần tình hình tiến quân và khẳng định cho đến lúc này đã tiêu diệt được 900 chiến binh YPG, một con số không thể kiểm chứng được.

Hoa Kỳ và Mêhicô tăng cường hợp tác chống nạn ma túy

Đăng ngày 03-02-2018 Sửa đổi ngày 03-02-2018 14:50
mediaCác ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland (T) Mêhicô, Luis Videgaray, và Mỹ, Rex Tillerson (P) chụp ảnh trước cuộc họp báo tại Mêhicô City, ngày 02/02/2018.REUTERS/Henry Romero
Trong chặng đầu của chuyến công du châu Mỹ Latinh, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 02/02/2018 đã đến Mêhicô tiếp xúc với tổng thống Peña Nieto. Ông cũng làm việc với hai đồng nhiệm Mêhicô Luis Videgaray và Canada Chrystia Freeland trên các vấn đề song phương và khu vực. Vấn đề an ninh biên giới và cuộc chiến chống các tập đoàn ma túy là chủ đề thảo luân chính. Riêng vấn đề nhạy cảm bức tường dọc biên giới Mêhicô thì không được đề cập đến.
Thông tín viên RFI tại Mêhicô, Patrick John Buffe, tường thuật :
Sau cuộc họp, ông Tillerson và đồng nhiệm Mêhicô, Luis Videgaray đã cho thấy một ý muốn chung: tăng cường hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy.
Theo ngoại trưởng Mêhicô, công cuộc hợp tác này cho phép thực hiện chiến lược sau đây : « Đối phó với nạn buôn lậu ma túy vào Mỹ và với cả nạn buôn lậu vũ khí từ Mỹ vào Mêhicô; phá vỡ các đường dây phân phối, ngăn chận việc tiêu thụ, sản xuất, đánh vào cơ cấu tài chính… Nếu hai bên không thực sự nỗ lực hợp sức thì sẽ tạo thuận lợi chiến lược và chiến thuật cho những tổ chức này và sẽ không đạt mục tiêu là phá vỡ các đường dây một cách hoàn toàn và vĩnh viễn !»
Ngoại trưởng Tillerson thì nhấn mạnh trên việc cần thiết chống nạn buôn lậu các loại ma túy chế biến từ thuốc phiện như bạch phiến, Fentanyl, gây nạn tử vong do sử dụng quá liều tại Mỹ: « Do bản chất gây chết người của tệ nạn này, phải nỗ lực hơn nữa để chống lại mô hình của nạn buôn lậu vừa ma túy vừa vũ khí ».
Cho nên Mêhicô, Hoa Kỳ và Canada đã có nỗ lực đặc biệt trong cuộc chiến chống ma túy mà năm qua đã làm cho 64.000 người chết ở Mỹ.

Không có nhận xét nào: