Obama rời châu Á, nhưng nước Mỹ ở lại
Đấy là cách báo chí quốc tế đánh giá chuyến công du châu Á của ông Obama. Các kết quả kinh tế, chính trị và địa-chiến lược của chuyến thăm châu Á sẽ có hiệu ứng lâu dài không chỉ đối với Mỹ.
"Tuyên bố Thái Bình Dương" có đi vào lịch sử?
Chặng đầu tiên trên đường "trở lại cố hương" của tổng thống Mỹ là Hawaii, nơi ông sinh ra. Tổng thống đã chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh APEC19. Tại đây, ông Obama đã thúc đẩy dự án thành lập khu vực tự do trao đổi thương mại lớn nhất thế giới. Hiệp định TPP được mở rộng từ 9 lên 12 quốc gia.
Thăm Indonesia, hôm 18/11, Tổng thống chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua 230 máy bay Boeing 737. Phía Indonesia dự tính mua thêm 150 chiếc nữa, đưa tổng giá trị hợp đồng mua máy bay lên gần 35 tỷ đô la. Đây là hợp đồng lớn chưa từng có đối với tập đoàn chế tạo máy bay Mỹ, tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho dân Mỹ.
Khi bay sang Ốtxrâylia tổng thống Obama thông báo, Mỹ sẽ triển khai từ 250 đến 2.500 lính thủy quân lục chiến, nằm ở phía bắc nước Ốtxtrâylia cách Trung Quốc 2.500 dặm. Chuyến đi kết thúc với các cuộc viếng thăm chính thức song phương, sau đó là tham dự Hội nghị EAS 6 tại Indonesia.
Trong khi đó Mỹ và Singapore đang tiến đến giai đoạn cuối cùng của một một thoả thuận, qua đó Singapore sẽ cho phép một số chiến hạm loại mới LCS (Littoral Combat Ships) của Hải quân Mỹ được sử dụng căn cứ Changi của Singapore như là đại bản doanh cho các chiến hạm đa năng này.
LCS là loại tàu tối tân nhất của Hải quân Mỹ và có thể được thay đổi để phù hợp với nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ việc chống hải tặc cho đến theo dõi tàu ngầm và những công tác đặc biệt khác. Loại tàu này được chế tạo để hoạt động trong vùng biển cạn, cận duyên và chạy với tốc độ nhanh nhất là hơn 40 hải lý/giờ.
Singapore là quốc gia nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng lớn vì vị trí chiến lược nằm dọc theo Eo biển Malacca, đường thủy giao thông chính giữa Ấn Độ dương và Thái Bình dương và cũng là nơi mà số đường vận chuyển đường biển bận rộn nhất thế giới đi qua. Khoảng 150 chiến hạm Mỹ ghé lại Singapore trong năm vừa rồi trong lúc di chuyển qua vùng này.
Nhưng động thái nổi bật nhất của ông Obama trong chuyến công du chính là bài diễn văn trước Lưỡng viện Quốc hội Ốtxtrâylia. Ông Obama đã phác thảo một đường hướng chiến lược dài hơi, về an ninh và thịnh vượng của châu Á, về các mối quan hệ của khu vực rộng lớn này đối với nước Mỹ, trên mọi phương diện.
Ông Obama nói với thế giới rằng, khi phát triển kinh tế, tất cả chúng ta cũng cần ghi nhớ sự liên hệ mật thiết giữa phát triển và việc điều hành hiệu quả của nhà nước - chấp hành các qui định của pháp luật, sự minh bạch của các cấp của chính quyền và sự bình đẳng của cơ quan tư pháp.
Vì lịch sử đã chứng minh rằng, cũng theo lời ông Obama, qua quá trình lâu dài, dân chủ và phát triển kinh tế luôn cùng đồng hành với nhau. Thịnh vượng mà không có tự do dân chủ thì đó chỉ là một hình thức khác của sự nghèo khổ.
Ảnh: telegraph.co.uk |
Tổng thống Obama phác họa tương lai: "Trong thời buổi có những thay đổi lớn lao và đầy bất định hiện nay, tương lai có vẻ dường như không chắc chắn. Xuyên qua một đại dương mông mênh, chúng ta không thể lường trước được khó khăn hay trở ngại gì đang đón đợi ở chân trời phía trước".
"Nhưng nếu vùng đất rộng lớn này và người dân tại đây có thể dạy chúng ta điều gì, thì đó là khát vọng đấu tranh cho quyền tự do dân chủ và sự tiến bộ là điều không có lý gì để chúng ta ngờ vực". Ông Obama bày tỏ lạc quan của mình vào tương lai trong bài diễn văn được báo chí trích dẫn như một "Tuyên bố Thái Bình Dương" của nước Mỹ!
Mọi chuyện vẫn trong luồng
Đúng hôm ông Obama về đến Mỹ, tờ Washington Post bình luận rằng hải quân Mỹ sẽ "thốn mạn sườn" Trung Quốc (will set China on edge) với việc triển khai thủy quân lục chiến ở Bắc Ốt xtrâylia và đưa các chiến hạm mới tới hải cảng Singapore.
Sau một tuần cấp cao sôi động tại Hawaii, Canberra và Bali, Trung Quốc nhiều lần nhắn nhủ Mỹ không nên "xía vô" chuyện Biển Đông. Trung Quốc cũng không dấu diếm lời cảnh cáo đối với Ốtxtrâylia và các nước khác phải cẩn thận, đừng rơi vào thế mà Bắc Kinh mô tả là "kẹt giữa hai làn đạn".
Đối lại, tại APEC19, ông Obama lên giọng khuyên chính quyền Trung Quốc hãy "cư xử như người lớn!" Lời tuyên bố của tổng thống Mỹ đã được báo chí khắp thế giới dùng làm tựa đề cho các bản tin về ngày chấm dứt hội nghị APEC.
Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy. Kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Trung Mỹ liên hệ chặt chẽ: Mỹ mua hàng Trung Quốc xuất cảng, Bắc Kinh lại đem tiền thu về cho Washington vay. Nói trước bàn dân thiên hạ: "Trung Quốc đã lớn rồi, phải cư xử như người lớn!" Mỹ không ngại làm mất lòng ban lãnh đạo và người Trung Quốc?
Tại Thành Đô vừa qua, đối thoại kinh tế hàng năm Trung - Mỹ vẫn diễn ra êm ả!
Ngày 21/11, khi kết thúc đối thoại thường niên về thương mại Mỹ - Trung, phía Mỹ ghi nhận đôi bên đã đạt được một số "tiến bộ cụ thể và quan trọng". Tuy nhiên, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước còn rất xa vời.
Bộ trưởng thương mại John Bryson cho biết: đôi bên đã đạt được đồng thuận trong các lĩnh vực bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho các doanh nghiệp Mỹ muốn vào hoạt động tại Trung Quốc. Đặc biệt là trong các lĩnh vực Trung Quốc coi là chiến lược mà Bắc Kinh dự tính đầu tư thêm 1700 tỷ usd trong 5 năm tới.
Tuy nhiên Mỹ và Trung Quốc đã không đề cập đến hồ sơ gây nhiều tranh cãi giữa hai bên liên quan đến tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Một năm trước bầu cử tổng thống tại Mỹ, Washington đang tìm cách gia tăng áp lực đòi Bắc Kinh tăng giá đơn vị tiền tệ, nhằm giảm bớt nhập siêu của Mỹ trong buôn bán Trung Quốc.
Bộ trưởng thương mại John Bryson cho rằng, do Mỹ và Trung Quốc có những liên hệ phức tạp cho nên đôi bên không thể san bằng những bất đồng trong một sớm một chiều. Về phần mình, phó thủ tướng Vương Kỳ Sơn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc cũng kêu gọi Washington không nên "chính trị hóa các vấn đề kinh tế".
Và Bắc Kinh cũng ngụ ý cảnh cáo Washington không nên khai thác lá bài kinh tế để phục vụ các mục tiêu chính trị trong cuộc vận động tranh cử tổng thống sắp tới tại Mỹ./.
Thêm Bình luận Mới
Optional: Đăng nhập dưới đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét